“Tôi đã đến, xem và sa thải người đứng đầu cơ quan an ninh của Ukraine ở vùng Kharkiv, vì thực tế rằng ông ta đã không làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến toàn diện mà chỉ nghĩ về bản thân. Dựa trên động cơ nào? Các nhân viên thực thi pháp luật sẽ tìm ra nó", ông Zelensky nói trong thông điệp đăng tải trên trang Telegram ngày 29/5.
Trước đó trong ngày, ông Zelensky đã đến thăm Kharkiv ở đông bắc đất nước, đánh dấu lần đầu tiên ông xuất hiện chính thức ở bên ngoài thủ đô Kiev kể từ khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine hồi cuối tháng 2.
Mặc dù phần lớn trọng tâm của quân Nga hiện nay đã chuyển sang khu vực đông nam Ukraine nhưng họ vẫn thường xuyên pháo kích vào Kharkiv. Văn phòng tổng thống Ukraine thống kê, 2.229 tòa nhà ở Kharkiv và khu vực xung quanh đã bị phá hủy vì đạn pháo của Nga. Theo lãnh đạo chính quyền quân sự Kharkiv, khoảng 31% diện tích khu vực đang tạm thời bị binh lính Nga chiếm đóng. Các lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát 5% khu vực.
“Chúng ta sẽ khôi phục, xây dựng lại và hồi sinh cuộc sống ở Kharkiv và tất cả các thị trấn và làng mạc khác, nơi cái ác đã đến", người đứng đầu Kiev nhấn mạnh.
Ông Zelensky dành phần lớn chuyến công du để gặp gỡ các quan chức địa phương, kể cả thống đốc vùng Kharkiv và thị trưởng thành phố, để thảo luận về các chương trình tái thiết cho khu vực, kêu gọi họ “tìm ra các dự án thú vị” để xây dựng lại những nơi bị phá hủy. Ông Zelenskiy bày tỏ tin tưởng rằng Ukraine cuối cùng sẽ chiến thắng trong cuộc xung đột này.
Cũng trong chuyến đi này, ông Zelensky đã thăm hỏi những người lính đang bảo vệ Kharkiv, khen ngợi và trao huân chương, quà tặng cho họ.
Kiev nhận định khả năng đàm phán với Moscow
Tổng thống Zelensky cho rằng, Nga sẽ chấp nhận đàm phán nếu Ukraine có thể chiếm lại toàn bộ lãnh thổ mà nước này đã mất kể từ đầu cuộc chiến. Tuy nhiên, ông Zelensky loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để giành lại đất đai.
“Tôi không tin chúng ta có thể khôi phục toàn bộ lãnh thổ của mình bằng các biện pháp quân sự. Nếu chúng ta quyết định đi theo con đường đó, chúng ta sẽ mất hàng trăm nghìn người", lãnh đạo chính phủ Ukraine giải thích.
Cuộc chiến Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 4 và các lực lượng Moscow đang tập trung mọi nguồn lực để thâu tóm vùng Donbass, miền đông Ukraine. Reuters dẫn lời ông Zelensky nói, các cuộc pháo kích của Nga đã phá hủy mọi cơ sở hạ tầng thiết yếu và 2/3 nhà cửa ở thành phố Sievierodonetsk thuộc tỉnh Luhansk, Donbass. Theo ông, mục tiêu hàng đầu của đối phương là giành quyền kiểm soát thành phố này.
Ukraine tiếp nhận vũ khí viện trợ của Đan Mạch và Mỹ
Khi quân Nga đang giành đươc những thắng lợi "chậm và chắc" ở miền đông Ukraine, Kiev đã kêu gọi các nước phương Tây chuyển giao thêm vũ khí tầm xa để đảo ngược tình thế.
Kiev đang bắt đầu nhận được các tên lửa diệt hạm Harpoon từ Đan Mạch và các hệ thống lựu pháo tự hành từ Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov tuyên bố: “Tuyến phòng thủ bờ biển của đất nước chúng tôi sẽ không chỉ được tăng cường bằng các tên lửa Harpoon. Chúng sẽ được các nhóm binh sĩ Ukraine đã qua huấn luyện sử dụng".
Truyền thông Ba Lan cũng đưa tin, chính phủ nước này đã nhất trí chuyển giao 18 hệ thống lựu pháo tự hành hiện đại "AHS Krab" 155mm cho Kiev. Đây là những vũ khí được đánh giá lợi hại, có tầm bắn tiêu chuẩn là 30 km và tối đa là 40 km.
Đức cảnh báo EU suy giảm thống nhất về trừng phạt Nga
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 29/5, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bày tỏ lo ngại, sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) đang "bắt đầu rạn nứt" trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối nhằm thảo luận về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga cũng như kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ xứ sở bạch dương.
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo EU dự kiến nhóm họp trong hai ngày 30 - 31/5 để bàn về gói trừng phạt mới chống Moscow.
Hôm 27/5, các nước châu Âu đã phải chật vật để đạt được thỏa thuận cấm vận chuyển dầu mỏ Nga bằng đường biển nhưng cho phép vận chuyển bằng đường ống. Đây được coi là thỏa hiệp trước Hungary, nước đang phản đối việc áp các biện pháp trừng phạt mới với Moscow.
Ông Habeck kêu gọi Đức sẽ lên tiếng tại hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra thay vì bỏ phiếu trắng do sự khác biệt về quan điểm trong liên minh cầm quyền của nước này. Ông kêu gọi sự thống nhất tương tự từ các quốc gia EU khác.
"Châu Âu vẫn là một khu vực kinh tế khổng lồ với sức mạnh kinh tế đáng kinh ngạc. Và khi thống nhất, châu lục có thể sử dụng sức mạnh đó", ông Habeck nhấn mạnh.
Tuấn Anh