CNN trích dẫn bản dịch bài phát biểu do Đại sứ quán Ukraine ở Indonesia đăng tải cho thấy, kế hoạch hòa bình của ông Zelensky bao gồm một lộ trình dẫn đến an toàn hạt nhân, an ninh lương thực, một tòa án đặc biệt xét xử các vi phạm của Nga và một hiệp ước hòa bình với Moscow.
Người đứng đầu Kiev cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 sử dụng sức mạnh của họ để “khiến Nga từ bỏ các mối đe dọa hạt nhân”, đồng thời áp đặt giá trần đối với năng lượng nhập khẩu từ xứ sở bạch dương. Ông Zelensky yêu cầu quân Nga chấm dứt đánh bom các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine khi mùa đông đang tới.
Theo báo Guardian, ông Zelensky đã cho đăng một thông điệp trên kênh Telegram ngay sau bài phát biểu trước G20. Trong đó, ông nhấn mạnh: “Ukraine luôn là nước đi đầu trong các nỗ lực gìn giữ hòa bình và thế giới đã chứng kiến điều đó. Nếu Nga nói họ muốn chấm dứt cuộc xung đột này, hãy chứng minh bằng hành động”.
Tổng thống Ukraine lưu ý, đất nước của ông sẽ không để Moscow “chờ đợi, xây dựng lực lượng và sau đó bắt đầu một loạt hành động gây bất ổn mới”. Ông nói sẽ không có thỏa thuận Minsk 3 nữa.
Ông Zelensky viết: “Đây là công thức của Ukraine cho hòa bình. Hòa bình cho Ukraine, châu Âu và thế giới. Sẽ có một bộ giải pháp có thể được triển khai để thực sự đảm bảo hòa bình … Các đề xuất của Ukraine gồm: 1. An toàn bức xạ và hạt nhân; 2. An toàn thực phẩm; 3. An ninh năng lượng; 4. Trả tự do cho tất cả các tù nhân và những người bị trục xuất; 5. Thực hiện Hiến chương Liên Hợp Quốc và khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và trật tự thế giới; 6. Rút hết quân Nga và chấm dứt chiến sự; 7. Phục hồi công lý; 8. Chống diệt chủng; 9. Phòng ngừa leo thang; 10. Kết thúc xung đột”.
Phía Nga hiện chưa lên tiếng phản hồi các phản biểu và đề xuất kế hoạch hòa bình của lãnh đạo Ukraine.
Hầu hết các nước thành viên G20 lên án cuộc xung đột ở Ukraine
Theo dự thảo tuyên bố chung của G20, nhóm 20 nền kinh tế lớn quy tụ cả Nga sẽ làm rõ các ảnh hưởng tiêu cực của chiến sự tại Ukraine đối với kinh tế thế giới.
Dự thảo cho biết, các nước thành viên G20 đều “tái khẳng định lập trường quốc gia của họ” và “hầu hết đều cực lực lên án cuộc xung đột” ở quốc gia Đông Âu vì nó đang “gây ra đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những yếu kém hiện có trong nền kinh tế toàn cầu”.
Dự thảo lưu ý, đã có “các quan điểm khác” và “G20 không phải là diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh”. Song, các nước thành viên đều thừa nhận, các vấn đề an ninh có thể “gây ra những hậu quả đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu”.
Dự thảo kêu gọi gia hạn thỏa thuận với Nga nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Văn bản này cũng cảnh báo “thời đại hiện nay không được phép có chiến tranh” và việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ khí hạt nhân “không thể chấp nhận được".
Dự thảo hiện cần được các nhà lãnh đạo G20 nhất trí thông qua trước khi chính thức được công bố tại phiên bế mạc hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào ngày 16/11.
Tuấn Anh