Chia sẻ với tờ New York Times, ông Hammer, người đứng đầu ban vũ khí và bảo trì của Lữ đoàn 35 Thủy quân lục chiến Ukraine, nói rằng các lực lượng Kiev chiến đấu ở tiền tuyến miền nam đã tận dụng số vũ khí và phương tiện bọc thép của Nga bị tịch thu trên chiến trường để tồn tại.
"Nếu không có các phương tiện của Nga bị tịch thu, chúng tôi sẽ không thể tiếp tục chiến đấu”, ông Hammer cho biết.
Theo ông, Lữ đoàn 35 đã thu được hơn 20 phương tiện của Nga trong 6 tuần Kiev triển khai phản công. Trong số các thiết bị quân sự bị tịch thu có cả xe tăng T-72 vốn được quân đội Nga đánh giá cao về năng lực, và 8 phương tiện chiến đấu đa năng. Đây là những vũ khí mà Lữ đoàn 35 chưa từng có trước đây.
"Chỉ sau một vài ngày sửa chữa, phương tiện đã trở lại chiến trường”, ông Hammer nói.
Theo tờ Deutsche Welle của Đức, trong hơn 17 tháng Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các lực lượng Kiev đã thu giữ được hơn 800 hệ thống pháo, 300 xe tăng, phương tiện bọc thép và các vũ khí khác. Những thiết bị này sau đó được Ukraine đưa trở lại chiến trường để tấn công các mục tiêu của Nga, và tiến hành phản công.
"Nga đang cạnh tranh với các nước phương Tây để cung cấp vũ khí cho Ukraine", Đại tá Oleksandr Saruba tại một trung tâm chuyên tiếp nhận và phân tích các loại vũ khí mà quân đội Ukraine thu được, nói đùa với tờ Deutsche Welle.
“Những vũ khí cỡ nhỏ như súng máy và súng phóng lựu có số lượng lên tới hàng nghìn chiếc cũng đã được thu thập”, ông Saruba cho biết.
Trong nhiều trường hợp, các vũ khí của Nga bị Ukraine tịch thu trong quá trình Kiev phản công. Khi quân đội Ukraine tiến quân càng nhanh, càng làm tăng cơ hội cho Kiev tìm thấy các thiết bị của Nga bị bỏ rơi.
Cũng theo ông Saruba, mọi thứ phụ thuộc vào tình trạng của từng loại vũ khí bị bỏ lại trên chiến trường. Nếu vũ khí vẫn có thể sử dụng được, nó sẽ được biên chế vào các đơn vị và được phép sử dụng trên chiến trường. Nếu vũ khí bị hư hỏng, ban đầu nó sẽ được sửa chữa. Nếu binh sĩ không có kinh nghiệm sử dụng vũ khí của Nga, họ sẽ được đào tạo.
Tuy nhiên, hồi tháng Ba, nhà phân tích quân sự Michael Kofman từng nhận định dù các công xưởng sửa chữa vũ khí của Ukraine đang hoạt động liên tục, nhưng một số phương tiện quân sự của Nga bị tịch thu vốn chỉ được thiết kế riêng cho quân đội Nga sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine dường như không thể sửa chữa để tái sử dụng.
“Ukraine không có các bộ phận, linh kiện để duy trì hoạt động của những vũ khí đó. Trên lý thuyết, Ukraine có thể tịch thu được rất nhiều phương tiện, nhưng họ không có động cơ, không có hộp số, và không có linh kiện để duy trì hoạt động của vũ khí Nga”, ông Kofman nhấn mạnh.