Để tăng cường năng lực phòng không, Ukraine đã nhận hai hệ thống Patriot, một từ Mỹ và một từ Đức. Các hệ thống phòng thủ trước đây của Ukraine đã tỏ ra không đủ khả năng chống lại các tên lửa hiện đại của Nga như Kinzhal, khiến việc sở hữu các hệ thống tiên tiến này càng trở nên quan trọng hơn.
Kiev nói rằng Patriot đã đánh chặn thành công một siêu tên lửa vượt âm Kinzhal, song các bên vẫn chưa xác thực được tuyên bố này. Tiếp đó, tới lượt Moscow khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa trứ danh của Mỹ đã bị xuyên thủng và bị siêu tên lửa của họ phá huỷ. Lần này, Mỹ thừa nhận tổ hợp phòng không Patriot có thể đã bị “hư hại” và phải tiến hành sửa chữa.
Mỹ và phương Tây nhận định, mục tiêu chính của tên lửa siêu vượt âm Kinzhal là hệ thống phòng không Patriot. Đồng thời, thừa nhận các lực lượng Nga có thể phát hiện tín hiệu từ hệ thống Patriot phát ra, sau đó tấn công tên lửa tới toạ độ xác định.
Các tên lửa như Kinzhal, với tốc độ phóng cao vượt tốc độ âm thanh, là những đòn tấn công khó đánh chặn, thường được sử dụng nhắm vào các mục tiêu có mức độ ưu tiên cao và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Điểm mạnh trở thành “tử huyệt”
Hệ thống tên lửa Patriot có khả năng quét radar tầm xa mạnh mẽ, khiến nó trở thành một nền tảng phòng thủ đáng gờm với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và các mối đe dọa khác.
Song, phát xạ radar cần thiết để phát hiện các mục tiêu ở xa cũng làm lộ vị trí của các tổ hợp này, biến nó trở thành “miếng mồi ngon” cho đối phương. Không giống như một số hệ thống phòng không di động và khó nhắm mục tiêu hơn được cung cấp cho Ukraine, bản chất cố định của khẩu đội Patriot cỡ lớn khiến nó dễ bị lực lượng Nga xác định dần dần theo thời gian.
David Shank, cựu chỉ huy của Trường Pháo binh Phòng không Lục quân Mỹ, đã chia sẻ những lo ngại tương tự với The Warzone về lỗ hổng của các khẩu đội Patriot trước các cuộc tấn công của Nga.
Theo Shank, một khẩu đội Patriot trang bị đầy đủ các bệ phóng, thường bao gồm sáu đơn vị trở lên, cần triển khai khoảng 50 đến 60 binh sĩ để thiết lập, sau đó là 25 đến 30 binh sĩ để vận hành và bảo trì.
Ngoài ra, khẩu đội Patriot yêu cầu diện tích đất rộng khoảng 1 km2 để triển khai đội hình, khiến nó dễ bị ảnh hưởng bởi khả năng ISR (tình báo, giám sát và trinh sát) của Nga.
Shank cũng nhấn mạnh khi radar của tổ hợp Patriot phát ra tín hiệu, nó sẽ tạo ra những dấu hiệu đáng kể, từ đó tình báo tín hiệu của Nga có thể dễ dàng nhận thấy.
Một khẩu đội Patriot tiêu chuẩn bao gồm radar AN/MPQ-53 hoặc AN/MPQ-65 tiên tiến hơn. Hệ thống radar này rất có khả năng trở thành mục tiêu chính cho một cuộc tấn công của Nga do tầm quan trọng của nó đối với hoạt động chung của tổ hợp Patriot.
Các biện pháp đối phó
Cựu chỉ huy quân đội Mỹ cũng chia sẻ một số cách thức nhằm ngăn chặn nỗ lực phát hiện tín hiệu Patriot của quân đội Nga, từ đó có thể tránh trở thành mục tiêu của những tên lửa siêu thanh.
Trong đó, việc quản lý phát xạ radar một cách chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt. Để giải quyết vấn đề này, lực lượng Ukraine cần triển khai các “mồi nhử” giúp gây nhầm lẫn và đánh lạc hướng đối phương, từ đó tăng cường chiến lược phòng thủ tổng thể của hệ thống phòng không Patriot.
Theo đó, việc có nhiều “mồi nhử” và định kỳ di chuyển vị trí của chúng khiến đối phương khó có thể tấn công chính xác vào hệ thống thật sự. Song, chuyên gia này thừa nhận thách thức khi Kiev chỉ có hai khẩu đội Patriot.
Một cách tiếp cận khác là triển khai thời gian bức xạ xen kẽ, nghĩa là bật và tắt radar theo định kỳ để giảm độ phơi sáng tổng thể và giảm thiểu rủi ro bị nhắm mục tiêu.
Ngoài ra, thông tin tình báo kịp thời và chính xác, sẽ nâng cao khả năng phòng thủ của hệ thống. Những chiến lược này nhằm mục đích tối ưu hóa các nguồn lực hạn chế sẵn có và tối đa hóa hiệu quả của các khẩu đội Patriot trong việc chống lại các mối đe dọa tiềm tàng.
Hơn nữa, Shank nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp các biện pháp phòng không thụ động như xây dựng boong-ke, sử dụng các kỹ thuật ngụy trang hiệu quả, kết hợp với chiến lược “mồi nhử”.
Shashank Joshi, thành viên thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College London và là biên tập viên quốc phòng của The Economist, cũng đồng ý rằng việc chống lại việc phát hiện phát xạ vô tuyến bằng nhiều “mồi nhử” có thể là một chiến lược hiệu quả.
Tuy nhiên, Joshi nhấn mạnh các “mồi nhử” phải đảm bảo tái tạo được mô hình hành vi tương tự một khẩu đội Patriot thực sự, bao gồm cả hình dáng, kích thước để ngăn việc nhận dạng dễ dàng thông qua các hệ thống cảm biến khác.
(Theo Eurasiantimes)