Nơm nớp lo tai nạn giao thông
Ngày 8/8, 2 ngày sau khi Sở GTVT Hà Nội lắp dải phân cách cứng, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp vào giờ cao điểm trên đường Nguyễn Trãi.
Tại “điểm đen” Ngã Tư Sở, ô tô, xe máy xếp dài hàng trăm mét chờ lên, xuống cầu. Dòng phương tiện từ các tuyến đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… liên tục cắt ngang đầu ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi khiến giao thông trở nên hỗn loạn.
Ùn tắc kéo dài, nhiều người lao lên vỉa hè. Ngồi bán trà đá trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi (đoạn sân bóng Thượng Đình), bà Hoa nơm nớp lo người đi xe máy va quệt vào. “Từ ngày có dải phân cách cứng, vào giờ cao điểm buổi chiều chân cầu vượt Ngã Tư Sở ùn tắc nghiêm trọng hơn. Trước đây, chuyện này ít khi xảy ra”, bà Hoa chia sẻ.
Dù có dải phân cách cứng và lực lượng thanh tra giao thông hướng dẫn nhưng ô tô, xe máy vẫn đi lại lộn xộn không tuân thủ làn đường. “So với thời điểm lắp dải phân cách cứng ở đường Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Phố Huế, Hàng Bài… hiện nay, người tham gia giao thông có ý thức tốt hơn nhiều”, thanh tra giao thông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Đứng ở đầu dải phân cách cứng (đoạn ga Thượng Đình) hướng dẫn người điều khiển phương tiện đi đúng làn đường, anh Nguyễn Anh Tuấn phải né ô tô, xe máy va quệt vào người. “Khi trời nhá nhem tối, nhiều người không thấy rõ tôi đang đứng phân làn đường. Trước đây, thời điểm phân làn trên đường Giải Phóng, anh em chúng tôi bị đâm liên tục, nhiều người phải nhập viện”, anh Tuấn chia sẻ.
Gần 18h, một thanh niên điều khiển chiếc xe Wave lao thẳng vào đống lốp xe đặt trước dải phân cách cứng khu vực ga Thượng Đình. “Dù biết rõ trên đường Nguyễn Trãi có dải phân cách cứng nhưng do ô tô đi trước che khuất tầm nhìn nên tôi vẫn đâm vào đống lốp ô tô. May mắn, tôi đi chậm nên chỉ bị trầy xước nhẹ ở tay và chân”, bạn Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Ông Bùi Minh Đức (nhà ở dưới chân cầu vượt Ngã Tư Sở) cho biết, rất nhiều người đã đâm phải dải phân cách đặt trước cầu vượt. “Không rõ do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát hay do dải phân cách đặt giữa đường nhưng thiếu cảnh báo, nên mới dẫn đến nhiều vụ tai nạn như vậy”, ông Đức nói.
Lưu lượng giao thông vượt quá tiết diện mặt đường
Theo Hội cầu đường Hà Nội, tuyến đường Nguyễn Trãi hội tụ đầy đủ nhất các loại hình tham gia giao thông như tàu điện trên cao, xe buýt thường, ô tô, xe mô tô, xe đạp. Dù có một trong những nút giao hiện đại nhất Thủ đô với 4 tầng (hầm chui, đường bộ, cao tốc trên cao, đường sắt đô thị) nhưng tình trạng ùn tắc giao thông lại diễn biến khá phức tạp trên tuyến.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc là do lưu lượng giao thông vượt quá tiết diện mặt đường. Do vậy, nếu không tổ chức giao thông tốt, bám sát diễn biến để điều chỉnh theo thực tế sẽ gây nhiều hệ luỵ, mất an toàn, lãng phí lớn trên mọi phương diện.
Hội cầu đường Hà Nội cho rằng, do trục đường chính có tiết diện lớn, năng lực lưu thông cao nên thu hút ngày càng đông phương tiện. Trong khi đó, các tuyến đường ngang kết nối lại chưa đồng bộ. Ùn tắc giao thông tại các nút giao, đường nhánh bên sườn khiến trục Nguyễn Trãi bị ảnh hưởng rất lớn. “Tổ chức giao thông hiệu quả trong bối cảnh chênh lệch năng lực như vậy cực kỳ khó khăn”, Hội cầu đường Hà Nội cho hay.
Nhiều chuyên gia của Hội này cho rằng, cần tách dòng phương tiện trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú theo hướng ưu tiên đi thẳng và chỉ cho rẽ trái tại các nút có đèn tín hiệu. Xe rẽ trái và quay đầu đi chung một làn, một nhịp đèn. Các nút không có đèn tín hiệu có thể buộc phương tiện phải đi thẳng qua và quay đầu tại nút có đèn.
Dòng phương tiện di chuyển ngắn hoặc rẽ phải cần được hướng dẫn, bắt buộc đi làn ngoài cùng bên phải. Nên điều chỉnh lại nhịp đèn tín hiệu cho phù hợp lưu lượng thực tế trên cơ sở ưu tiên đi thẳng. Riêng hướng rẽ trái tại khu vực nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi cần ưu tiên cho các hướng từ nội đô đi ra. Cùng với đó, tăng cường thêm bãi đỗ xe để thu hút người dân sử dụng tàu điện.