Không thể đứng ngoài xu hướng thế giới
Tại một hội thảo về ứng dụng Blockchain (công nghệ chuỗi khối) và trí tuệ nhân tạo (AI) do U2Venture tổ chức mới đây, ông Cris D Tran, Nhà sáng lập của Unicorn Ultra nêu câu hỏi: “Đơn vị đang xuất khẩu, sản xuất nước mắm Phú Quốc lớn nhất thế giới nằm ở đâu”? Và câu trả lời “Ở Thái Lan chứ không phải ở Việt Nam” khiến nhiều người ngạc nhiên.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm chuyên gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, ông Cris D Tran phân tích: “Khi nước mắm Phú Quốc tạo dựng được tên tuổi trên thị trường, chúng ta thiếu công cụ, giải pháp để yêu cầu bất kỳ sản phẩm nước mắm nào muốn được gọi là nước mắm Phú Quốc thì phải đến từ vùng đất Phú Quốc. Trong khi đó, các đơn vị ở Thái Lan đã nhanh tay đăng ký bảo hộ thương hiệu kinh doanh quốc tế cho sản phẩm này. Đây là câu chuyện khá kinh điển về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm Việt Nam mà chúng ta cần phải chú ý”.
“Tôi từng làm dự án truy xuất nguồn gốc cho một loại xoài xuất khẩu, mỗi quả xoài đều có mã QR, người ăn xoài chỉ cần quét mã sẽ biết xoài trồng ở đâu, khi nào, còn bao nhiêu thời gian sẽ hết độ tươi ngon… Theo tôi, ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc là một trong những giải pháp giúp các sản phẩm nông nghiệp Việt khẳng định thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh khi kinh doanh quốc tế”, ông Cris D Tran nói.
Ông Nguyễn Trung Trang, Nhà sáng lập của Time Group nhận định: Xu hướng tiếp theo của nền kinh tế là ứng dụng Blockchain và AI trong doanh nghiệp.
“Trên thế giới, các công ty, tập đoàn hàng đầu đều đã ứng dụng một số công nghệ lớn có khả năng quyết định năng lực cạnh tranh như: Big data (dữ liệu lớn), IoT (Internet kết nối vạn vật), Cloud (điện toán đám mây), AI và Blockchain. Các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế ứng dụng những công nghệ đó. Nếu chậm chân sẽ là thảm họa”, ông Trang bày tỏ sự quan ngại.
Với góc nhìn tích cực hơn, chuyên gia công nghệ Lê Minh Hưng, thành viên của Làng Xây dựng và phát triển cộng đồng thuộc Techfest Việt Nam đánh giá: “AI và Blockchain là cơ hội lớn cho Việt Nam. Ngoài chuyện hàng đầu thế giới về lúa gạo, cà phê, trong công nghệ chúng ta cũng có những thành tựu rất đáng tự hào. Việt Nam nằm trong Top 10 điểm đến về đầu tư blockchain, tạo cơ hội để startup, doanh nghiệp trẻ thu hút vốn và nhanh chóng tăng tốc, phát triển thành “kỳ lân”. Về AI thì Việt Nam đứng ở trong Top 50. Chúng tôi đã góp ý, tư vấn cho các tổ chức của chính phủ về định hướng, chính sách liên quan tới công nghệ mới. Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều sự thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Làm rõ hơn nhận định “ứng dụng Blockchain, AI đang là xu hướng thế giới”, ông Trần Quốc Long, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn số liệu từ báo cáo năm 2022 của McKinsey cho hay: 50% doanh nghiệp trả lời phỏng vấn cho biết đã bắt đầu ứng dụng AI (gồm cả công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp địa phương), trong khi con số tương ứng của năm 2017 mới chỉ là 20%; Trung bình mỗi doanh nghiệp sử dụng 4 tính năng AI; Hai chức năng ứng dụng AI phổ biến nhất trong doanh nghiệp là tối ưu hóa quy trình vận hành cũng như cung cấp dịch vụ, và sử dụng AI để tạo ra sản phẩm mới; Năm 2018 có 40% doanh nghiệp chi hơn 5% ngân sách cho AI, đến năm 2022, tỷ lệ tăng lên khoảng 52% doanh nghiệp.
Bà Bùi Thị Thanh Hằng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học & công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ, nêu số liệu đáng chú ý về tổng vốn đầu tư cho các ngành công nghệ trong năm 2021 trên thế giới, theo đó, ngành AI đạt 165 tỷ USD, Blockchain 110 tỷ USD, Cloud 136 tỷ USD, Machine learning (học máy) 5 tỷ USD, đồng thời đưa ra nhận xét: “Các công nghệ mới đang đóng góp giá trị vào nền kinh tế chứ không chỉ tồn tại trên giấy hay trong nghiên cứu”.
Còn đầy rẫy khó khăn
Công nghệ có thể mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Trang cũng chỉ rõ, việc áp dụng những công nghệ mới như Blockchain, AI vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt còn đầy rẫy khó khăn.
Thiếu nhân sự AI là điều đáng lo ngại. “5 năm trước, chúng tôi phải tuyển nhân sự về rồi đào tạo, trả mức lương 12 triệu đồng cho 1 sinh viên mới ra trường. Sau khi đào tạo 6 tháng, nhân sự đó được nơi khác trả lương hơn 20 triệu đồng, thậm chí nếu làm cho công ty Nhật Bản thì còn được trả lương gấp 3 lần. Tỷ lệ nhân viên của chúng tôi bị các công ty, tập đoàn bên ngoài “vợt” mất lên tới 38%., khiến chúng tôi có lúc khủng hoảng, thấy đau xót vì đã phải trả chi phí đào tạo nguồn nhân lực ban đầu rất lớn”, ông Trang chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình.
Khó khăn nữa là các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng Blockchain và AI vẫn chưa đầy đủ. Ví dụ, muốn biến Chat GPT trở thành nhân viên bán hàng thì phải đưa được toàn bộ dữ liệu về hàng hóa của doanh nghiệp cho Chat GPT hiểu, nhưng do chưa có nền tảng để đưa dữ liệu cho Chat GPT nên doanh nghiệp muốn ứng dụng cũng khó.
Trong tất cả những khó khăn thì khó khăn lớn nhất theo ông Trang là nhận thức: “Ngay cả các cấp quản lý cũng vẫn có những góc nhìn chưa hoàn thiện khi đưa ra khung pháp lý, hướng dẫn về các công nghệ mới như Blockchain. Số đông công chúng nhận thức không rõ ràng, cứ nhắc tới tiền điện tử, Blockchain là nghĩ tới lừa đảo. Trong khi đó thực sự là những công nghệ có thể thay đổi cuộc sống. Ví dụ công nghệ Blockchain với smart contract (hợp đồng thông minh) giúp những người không biết nhau có thể tin tưởng nhau, làm việc với nhau nhanh hơn, hiệu quả hơn và không biên giới, qua đó cắt được nhiều khâu trung gian, giúp giảm giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp”.
Phân tích thêm khó khăn khi triển khai ứng dụng AI trong doanh nghiệp, Viện trưởng Trần Quốc Long băn khoăn: “Muốn ứng dụng AI thì doanh nghiệp phải có chiến lược thu thập dữ liệu từ trước. Quá trình thu thập dữ liệu ảnh hưởng tới công việc hàng ngày, thậm chí nhân viên phải làm thêm việc nhập liệu thủ công trước khi hệ thống thu thập dữ liệu tự động vận hành trơn tru, đòi hỏi doanh nghiệp phải có quyết tâm rất lớn mới triển khai được. Nhiều doanh nghiệp Việt còn hạn chế về nguồn vốn, nhân lực nên không vượt qua được bước này, vẫn áp dụng công nghệ cũ”.
“AI đã đến và sẽ ở lại chứ không biến mất. Các doanh nghiệp hãy tìm hiểu cách ứng dụng phù hợp với mình. Nên bắt đầu với dự án quy mô nhỏ, vì chính mình chứ đừng làm cho khách hàng ngay. Cần xây dựng văn hóa chấp nhận AI, và khi ứng dụng AI cần để ý tới các khía cạnh đạo đức, pháp luật”, ông Long đưa ra một số lời khuyên cụ thể.