Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An thông tin, địa phương mới tổ chức hội thảo khoa học “chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch Nghệ An”.

Ngành du lịch Nghệ An xác định, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt từ khi có Nghị quyết số: 08-NQ/W ngày 16/01/2019 của Bộ Chính trị, du lịch Việt Nam nói chung và Du lịch Nghệ An nói riêng ghi nhận sự tăng trưởng khá tốt, đóng góp vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam và của tỉnh nhà trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế. 

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến các ngành kinh tế, trong đó có du lịch nhưng đồng thời cũng mở ra những xu hướng mới trong hoạt động của ngành du lịch.

Việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là chuyển đổi số đang là xu hướng hàng đầu, là tất yếu của các doanh nghiệp du lịch để bắt kịp sự chuyển đổi trong mô hình kinh doanh và makerting.

W-du-lich-3-1.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Cường - GĐ Sở Du lịch tỉnh Nghệ An. 

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ và là định hướng chung của thế giới cũng như của Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, hiện nhiều nước đã xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình quốc gia về chuyển đổi số” – ông Cường chia sẻ.

Tại Nghệ An, địa phương này đã ban hành Kế hoạch số: 586/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, đề ra nhiều nhiệm vụ, định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực du lịch. 

Theo ông Cường, đối với ngành du lịch đến năm 2030, chuyển đổi số được ngành xác định mục tiêu hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh ở Nghệ An và đã được UBND tỉnh phê duyệt trong chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. 

Thời gian qua, ngành đã triển khai xây dựng, khai trương và vận hành Cổng Thông tin Du lịch thông minh và app Visit Nghean trên thiết bị di động, cho phép du khách tra cứu, tìm kiếm thông tin du lịch theo vị trí như: Lưu trú, ẩm thực, điểm đến, lữ hành, sự kiện, chỉ đường; hệ thống chatbox; hình ảnh, video clip và các tính năng tương tác trực quan, tham quan thực tế ảo như VR360 độ... 

Qua đó, đã góp phần phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ công tác quản lý hoạt động du lịch, kết nối người dân, du khách và doanh nghiệp tương tác, chia sẻ dữ liệu về du lịch. 

W-du-lich-nghe-an-2-1.jpg
Đảo chè được giới thiệu trên App Visit Nghean. Ảnh chụp màn hình.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch Nghệ An cũng đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp khác nhau để tăng cường khả năng tiếp cận du khách trên các nền tảng số. Một số điểm du lịch như Khu lưu niệm Phan Bội Châu triển khai quét mã QR; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên triển khai số hóa di tích, hiện vật và đưa vào ứng dụng công nghệ ảo VR 360 độ và công nghệ AR thực tế ảo tăng cường phục vụ khách tham quan.

Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Nghệ An nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Hạ tầng kỹ thuật cho quá trình chuyển đổi số, hệ thống máy móc chưa đồng bộ; nguồn ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, nhân lực có chuyên môn còn hạn chế; công tác chuyển đổi số chưa đồng bộ giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp; nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp du lịch về tầm quan trọng của chuyển đổi số còn chưa cao…

Ông Cường chia sẻ thêm, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đang đứng trước yêu cầu, định hướng cần triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch của tỉnh Nghệ An đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ngành du lịch trong thời gian tới gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. 

ánh Tuyết và nhóm PV, BTV