Một trong những tiện ích mới được tích hợp trên “Danang Smart City” là tính năng cho phép tra cứu thông tin tiền điện, nước và chỉ số tiêu thụ của gia đình.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch, thời gian qua, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã phối hợp với Hội doanh nghiệp quận Hải Châu triển khai mô hình nhà vệ sinh công cộng, cộng đồng với slogan “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home”. Việc này đã đạt hiệu quả và tạo ấn tượng đẹp về một Đà Nẵng thân thiện và mến khách trong mắt du khách khi đến với Đà Nẵng.
Đầu năm 2023, UBND các quận Hải Châu, Sơn Trà và một số địa phương đã tiếp tục triển khai để tăng thêm sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở ăn uống vào mô hình nhà vệ sinh công cộng, cộng đồng. Mô hình này đến nay đã có hơn 300 cơ sở kinh doanh hưởng ứng.
Để phục vụ người dân, du khách tốt hơn, từ đầu tháng 6/2023, Sở TT&TT Đà Nẵng tích hợp dữ liệu vị trí nhà vệ sinh cộng đồng lên ứng dụng “Danang Smart City” theo dạng bản đồ để người dân, du khách dễ tiếp cận. Hiện tại, người dân và du khách đã có thể tìm kiếm trên ứng dụng 294 vị trí nhà vệ sinh cộng đồng, trong đó quận Hải Châu có 228 vị trí, quận Sơn Trà 66 vị trí và sẽ tiếp tục được cập nhật trong thời gian tới.
“Danang Smart City” là ứng dụng tích hợp đa dịch vụ, tiện ích được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt đưa vào sử dụng từ năm 2020 và hiện đã có hơn 1,2 triệu lượt tải. Ứng dụng đã và đang cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích, thông tin cho người dân, du khách đến Đà Nẵng.
Để tìm kiếm nhà vệ sinh cộng đồng, miễn phí trên “Danang Smart City”, người dùng chỉ cần mở mục “WC cộng đồng, miễn phí” trên ứng dụng, sau đó chọn cơ sở có nhà vệ sinh miễn phí gần với vị trí đang đứng, sẽ có các thông tin như tên cơ sở cho sử dụng nhà vệ sinh miễn phí, địa chỉ, khoảng cách từ vị trí người dùng đến nhà vệ sinh. Đặc biệt, app “Danang Smart City” còn tích hợp sẵn chức năng chỉ đường cho người dùng dễ dàng tìm đến địa chỉ nhà vệ sinh gần nhất.
Sở TT&TT Đà Nẵng cũng cho biết, cơ quan này đã đề nghị UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố xem xét tiếp tục phát động các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở ăn uống… tham gia chia sẻ sử dụng chung nhà vệ sinh cho cộng đồng; đồng thời cung cấp thông tin để Sở TT&TT đưa lên ứng dụng phục vụ người dân và du khách.
Sở TT&TT cũng đã giao Trung tâm Thông tin và Giám sát điều hành thông minh thành phố làm đầu mối phối hợp; đặc biệt là bố trí nhân lực để thường xuyên cập nhật thông tin, dữ liệu đầy đủ.
Trước Đà Nẵng, từ giữa tháng 4/2023, ngay trước thời điểm diễn ra Festival nghề truyền thống Huế 2023, để hỗ trợ du khách dễ dàng tìm kiếm các nhà vệ sinh miễn phí trong quá trình tham quan du lịch tại Huế, nền tảng đô thị thông minh Hue-S của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích hợp chức năng “Nhà vệ sinh” tại vai trò dành cho khách du lịch qua ứng dụng.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, đây là giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, cũng là hoạt động đồng hành với chương trình chung tay xây dựng môi trường du lịch Huế “Văn minh - thân thiện - an toàn - giàu bản sắc” của chính quyền thành phố Huế.
Thông qua bản đồ số được tự động điều hướng trên điện thoại, du khách đến thành phố Huế có thể xem thông tin về tên địa điểm, địa chỉ và đặc biệt là hướng dẫn chỉ đường để đến vị trí có nhà vệ sinh miễn phí một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Tính đến nay, đã có 327 nhà vệ sinh miễn phí tại 163 tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Huế đã được tích hợp trên ứng dụng Hue-S. “Thành phố Huế đang tiếp tục vận động và cập nhật thêm các địa điểm đăng ký”, đại diện Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.