Bạn đã cống hiến hơn 1 năm và đã đạt đủ khoảng thời gian đánh giá lương? Nhóm của bạn đã đạt gấp đôi doanh số kể từ khi bạn lên làm trưởng nhóm? Thậm chí bạn đã chuẩn bị sẵn sàng “bài phát biểu” cùng những nghiên cứu về mức lương trong ngành, viết sẵn các luận điểm giải thích lý do công ty nên tăng lương. Yêu cầu tăng lương cần có sự can đảm, nên nếu bị từ chối, thì đây như một đòn giáng mạnh vào lòng tự trọng của chúng ta. Nhưng có 1 cách để chúng ta vượt qua, đó là ứng xử như đây là cơ hội để phát triển chứ không phải một bước lùi.
Đáp lại một cách ngoại giao
Rõ ràng bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu và tổn thương. Để không khiến cảm xúc tiêu cực châm ngòi cho những phản ứng bất lợi, hãy hít thở sâu khi gặp tình huống này, và cố gắng hết sức để phản ứng chuyên nghiệp.
Mẫu câu bạn có thể dùng lúc này là: “Cảm ơn anh/chị đã cho em biết. Tất nhiên là em thấy thất vọng vì không được tăng lương thời điểm này. Nhưng em sẽ tiếp tục phấn đấu. Nếu được, nhờ anh chị nói cho em biết những điểm em cần hoàn thiện để đạt tiêu chí tăng lương của công ty”.
Như vậy, một mặt bạn tỏ ra trân trọng với sự chia sẻ của sếp và thể hiện khả năng giữ bình tĩnh khi đối mặt với thử thách. Mặt khác, bạn đã khai mở cho khả năng tiến bộ trong tương lai.
Thảo luận sâu
Hãy tìm hiểu những rào cản khiến cấp trên của bạn không thể tăng lương cho bạn với thái độ quan tâm nhưng không phòng thủ. Chẳng hạn: do bạn đã có mức lương cao nhất so với vị trí của bạn trong công ty rồi, hay hạn ngạch lương đang bị giới hạn… Hãy đặt các câu hỏi mở như:
- Điều gì dẫn đến việc em không được tăng lương vào thời điểm này?
- Để được tăng lương thì hiệu suất công việc phải đạt như thế nào?
- Điều gì em có thể khắc phục để làm tốt hơn?
Việc nhận thêm thông tin chính là dữ liệu để bạn đưa ra quyết định: có nên tiếp tục ở lại và phấn đấu không, hay nên lên kế hoạch rút lui sang một vị trí khác/bến đỗ khác - nơi bạn có thể được đánh giá cao hơn.
Đề xuất phúc lợi thay thế
Trao đổi với quản lý cũng giúp bạn có được thông tin về các quyền lợi, phúc lợi khác để đề xuất bù đắp cho bản thân. Ví dụ: Cho phép thời gian làm việc linh hoạt hoặc WFH định kỳ; Quà tặng là cổ phiếu; Thay đổi chức danh; Thêm ngày nghỉ phép; Tăng chi phí và thời gian đào tạo; Nâng cấp trang thiết bị…
Tiếp tục giữ kết nối
Sẽ rất trẻ con nếu việc bị từ chối khiến bạn tỏ thái độ lạnh nhạt hoặc tránh mặt sếp. Thay vì thế, hãy coi đây là phần mở đầu của cuộc đàm phán quyền lợi lâu dài. Sau cuộc họp này, bạn hoàn toàn có thể xin một lịch họp tiếp theo để trình bày những kế hoạch làm việc, cùng các tiêu chí bạn cố gắng phấn đấu để được tăng lương trong 6 tháng tới. Sau đó, đề nghị sếp đánh giá và đưa ra các giải pháp phù hợp để tiến trình tăng lương của bạn trở nên hợp lý.
Rõ ràng, sếp sẽ không thể không công nhận rằng bạn là người nghiêm túc về giá trị bản thân (sẵn sàng tiến về phía trước với những quyền lợi xứng đáng), cũng như chuyên nghiệp và đầy chí tiến thủ.
Tìm cách quảng cáo bản thân hiệu quả
Những nhân sự được tăng lương thường là những người gây ấn tượng rõ nét về cống hiến của họ. Vì thế, không thể đợi “hữu xạ tự nhiên hương”, bạn cần làm nổi bật những thành tích, đóng góp của bạn. Có thể bạn đề xuất một ý tưởng nghiên cứu khách hàng trong cuộc họp có các cấp quản lý. Hoặc bạn đại diện nhóm báo cáo một thành tích mà bạn có đóng góp lớn.
Thậm chí, bạn có thể tạo một file báo cáo định kỳ hiệu quả công việc để sếp có thể xem bất cứ lúc nào, trong đó có ghi chú rõ các thành công nổi bật. Miễn sao, đó phải là những thông tin bạn chứng minh được, cũng như cho thấy nó ảnh hưởng tích cực đến khách hàng hoặc kết quả chung của tập thể, chứ không phải chỉ để trông bạn có vẻ nhiệt huyết.
Tìm kiếm người ủng hộ
Sự thành công của bạn trong công việc cần được công nhận bởi những người ngang hàng và cả quản lý của những bộ phận mà bạn phối hợp cùng. Điều đó khiến thành tích của bạn nhìn có vẻ khách quan và đáng giá hơn.
Điều đó đòi hỏi bạn dành thời gian và công sức để làm thật, tiến bộ thật cũng như cư xử tốt để có đồng minh ủng hộ trên con đường thăng tiến.
Với tâm thế đó, kể cả khi bạn tiếp tục bị từ chối tăng lương vì lý do nào khác, thì bạn cũng đã ‘dắt túi’ một chặng đường đầy kiến thức, kinh nghiệm và thành tích. Ít nhất, bạn đã tự biến lời từ chối tăng lương thành một cơ hội để tiến về phía trước, chứ không phải là một bước lùi.
Vĩnh Phú