Trong chương trình Đối thoại nhân kỷ niệm "50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không" và 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam của Báo VietNamNet, ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FPT Telecom - kể: "Năm 1998, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT tổ chức một hội nghị, trình bày về quyết tâm xuất khẩu phần mềm. Ngày đấy, trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ làm xuất khẩu phần mềm, mà Ấn Độ lúc đó cũng chỉ mới bắt đầu làm. Thực ra, lúc đó, chúng tôi không tin lắm!"
"Nhưng ở FPT, chúng tôi luôn luôn biết anh Trương Gia Bình là một người vô cùng mơ mộng. Anh luôn luôn có những ước mơ thậm chí là viển vông. Với kinh nghiệm của chúng tôi, với tôi là một người đã làm ở FPT tới 30 năm, thì những ước mơ ấy, có thể đến đúng lúc, có thể đến chậm vài năm nhưng lần cũng thành hiện thực. Khi ấy, chúng tôi có một quyết tâm rất lớn để thực hiện ước mơ của anh Bình", ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Hội nghị ngày đó được coi như một "Hội nghị Diên Hồng" của FPT với bài toán đầy thách thức "xuất hay là chết".
Thực tế sau này, những thành tích xuất sắc trong xuất khẩu phần mềm của FPT là minh chứng hiện thực hoá cho ước mơ và khát vọng chinh phục thế giới của ông Trương Gia Bình từ 3 thập kỷ trước.
Ông Tiến nói: "Năm 1998, FPT đã là công ty tin học số 1 ở Việt Nam. Người ta hay nói đứng đầu rồi biết đi đâu. Anh Bình nói rằng cả thế giới rộng lớn đón chờ chúng ta. Lúc đấy, chúng tôi tin vào anh Bình. Ngày hôm nay, tôi có thể kể chỉ mấy tháng nữa thôi FPT sẽ đón nhận kỹ sư thứ 30.000 để làm xuất khẩu phần mềm mà chúng tôi đã đặt ra vào năm 1998".
Năm 1988, ông Trương Gia Bình cùng 12 nhà khoa học thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm FPT, tiền thân của Công ty cổ phần FPT. Dưới sự dẫn dắt của ông Bình, FPT trở thành công ty công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu của Việt Nam và đang nỗ lực để trở thành công ty mang tầm vóc quốc tế.
Năm 2013, ông được Tập đoàn truyền thông Nikkei (Nhật Bản) trao giải thưởng Nikkei Asian vì những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Năm 2022, tập đoàn công nghệ này thông qua kế hoạch với doanh thu tăng trưởng 19% lên 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đồng. Nếu hoàn thành chỉ tiêu trên, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp FPT ghi nhận tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận.
Hiện, FPT đã xuất khẩu phần mềm đi 27 quốc gia.
Xem video lược trích: