Bỏ qua cơ hội ở nước ngoài, về quê hương lập nghiệp
Cầm trên tay tấm bằng Tiến sĩ Cơ khí tại Đại học Michigan (Mỹ), anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên (sinh năm 1983) quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp.
Nghe phóng viên thắc mắc, tại sao lại từ bỏ nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, anh Nguyên cười hiền cho hay: “Mong muốn của tôi là đi học ở nước ngoài để trau dồi tri thức rồi quay về cống hiến cho quê hương. Cách đây khoảng 10 năm, Apple từng đề nghị tôi tham gia dự án xe điện của họ, lúc đó còn là dự án bí mật. Nhưng tôi tâm niệm, chắc Việt Nam cần mình hơn, và nếu ở Việt Nam, mình có thể đóng góp nhiều hơn, không chỉ dừng ở vị trí một kỹ sư bình thường”.
Trở về nước, anh “đầu quân” cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel, một trong những dự án trọng điểm nhất của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, liên quan đến phát triển sản phẩm công nghiệp quốc phòng mang tính bảo mật tuyệt mật.
Sau 4 năm cống hiến tại Viện Hàng không Vũ trụ Viettel - môi trường nghiên cứu có tính ứng dụng khá hạn hẹp, anh Nguyên nghĩ tới chuyện thay đổi công việc, hướng tới những sản phẩm có tính ảnh hưởng xã hội lớn hơn.
Ý tưởng làm xe máy điện đến một cách ngẫu nhiên. Rất nhiều lần trên đường đi làm, cảm giác khói bụi khiến anh ngột ngạt, khó chịu, nhất là vào mùa hè nóng bức. Từng tích lũy kha khá kinh nghiệm nghiên cứu một số ý tưởng liên quan đến xe điện và ô tô hồi còn ở Mỹ như phát triển xe tự hành, hệ thống năng lượng cho xe điện…, anh tự hỏi: Tại sao những chiếc xe chạy bằng xăng kia không phải là xe điện? Trên thế giới, nhiều nước đã dùng xe điện thay xe xăng, tại sao Việt Nam lại không?
Hình dung tương lai phát triển đầy tiềm năng của xe máy điện, anh Nguyên xin nghỉ việc 1 tuần để nghiên cứu thêm.
Hai vấn đề lớn của xe máy điện được nhận diện: Giá thành xe điện đắt hơn xe xăng; Bất tiện trong việc nạp năng lượng (mỗi lần sạc pin mất 3 – 8 tiếng).
Anh nảy ra sáng kiến giải “bài toán khó”: Giải pháp đổi pin, chỉ sau 2 phút, xe lại có thể đủ pin để bắt đầu hành trình mới. Mô hình kinh doanh tách pin ra khỏi xe sẽ giúp giảm giá thành của xe.
Anh Nguyên chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp táo bạo với anh Nguyễn Trọng Hải, trước cùng làm nghiên cứu sinh tại Đại học Michigan, lúc này làm giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Tìm thấy người cùng chí hướng, anh Nguyên quyết định nghỉ hẳn việc ở Viettel.
Công ty Cổ phần Phương tiện điện thông minh (Selex Motors) của CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên và nhà đồng sáng lập Nguyễn Trọng Hải ra đời trong năm 2018. Sau khoảng 4 tháng, Selex Motors đón thêm nhà đồng sáng lập thứ ba - anh Nguyễn Đình Quảng, một chuyên gia về hệ thống IoT (Internet kết nối vạn vật).
“Giấc mơ khi ấy của tôi là xây dựng Selex trở thành một công ty như kiểu Hyundai của Hàn Quốc. Tôi luôn có niềm tin Việt Nam mình hoàn toàn có thể trở thành một đất nước phát triển như Hàn Quốc. Mình sẽ cần những công ty có chiều sâu như Hyundai, Samsung, LG… Muốn vậy thì cần thay đổi cách nghĩ và phải làm những việc dài hơi hơn, tạo giá trị lớn và bền vững hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cuộc cách mạng xe điện là cơ hội cho Việt Nam. Mình cần phải thử mới biết có thành công hay không”, anh Nguyên kể.
Mày mò “dò đá qua sông”
Khởi nghiệp trong căn phòng 10m2 của Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi đang chờ đập bỏ để xây tòa nhà mới, những nhà sáng lập Selex Motors xác định chấp nhận mọi mạo hiểm, đối mặt không ít thách thức, rủi ro.
“Lúc đấy tôi nói rõ với bạn gái về dự định mạo hiểm khởi nghiệp để bạn gái lựa chọn. Nếu vẫn quyết định đi cùng nhau thì phải chịu khổ ít nhất 5 năm. Giờ cô bạn ấy đã trở thành bà xã, và chúng tôi song hành hơn 6 năm nay rồi”, anh Nguyên mỉm cười nhớ lại.
Xe máy điện của Selex Motors không giống những sản phẩm tương tự có trên thị trường, bởi đây là xe điện ứng dụng IoT.
Cuộc cách mạng xe điện không chỉ đơn thuần thay thế động cơ xăng thành động cơ điện, mà là tạo ra thế hệ xe mới – xe thông minh, mang lại những giá trị phi truyền thống. Xe điện thông thường chỉ là phương tiện vận chuyển từ điểm A đến điểm B, đảm bảo chất lượng an toàn, nhanh chóng… Còn xe điện ứng dụng IoT trở thành thiết bị thông minh, như một máy tính trên 2 bánh hoặc 4 bánh, nhiều lợi ích có thể khai thác và phát huy từ dữ liệu phần mềm.
“Chúng tôi không phát triển riêng sản phẩm xe điện mà lựa chọn phát triển cả hệ sinh thái cho xe máy điện thông minh. Một con đường rất khó đi. Ngay cả bên Trung Quốc, hồi năm 2018, khi tôi sang đó cũng chưa thấy có hệ sinh thái xe điện thông minh”, anh Nguyên kể tiếp.
Làm hệ sinh thái phức tạp hơn rất nhiều so với việc chỉ làm riêng sản phẩm xe. Trong năm đầu tiên, Selex Motors đã có xe mẫu. Nhưng nếu không có hệ sinh thái, thật khó cạnh tranh với xe xăng, và mục tiêu trở thành công ty như Hyundai trở nên xa vời vợi.
Theo dự tính của nhà sáng lập Selex Motors, trong hệ sinh thái xe điện thông minh, các thiết bị đấu nối với nhau, tạo thành dữ liệu lớn, từ dữ liệu đấy có thể phân tích để cải thiện sản phẩm, mang lại những dịch vụ mới về giao thông thông minh. Ví dụ như: Mua bảo hiểm xe trên nền tảng ứng dụng theo lịch sử đi lại của người dùng; Bảo dưỡng xe thông minh, cảnh báo trạng thái của bộ phận cần phải thay thế; Phụ huynh có thể giới hạn không gian hoặc giới hạn tốc độ của con trong độ tuổi đi học…
Tuy nhiên, từ ý tưởng tới hiện thực không hề đơn giản.
“Chúng tôi bắt đầu từ con số 0, không có kinh nghiệm “thực chiến” trong lĩnh vực sản xuất xe máy điện. Tất cả đều chỉ mày mò, “dò đá qua sông”. Rất nhiều thất bại, rất nhiều thử thách. Có lần anh em thử nghiệm pin rồi ngủ quên, 2h sáng pin cháy, may có người tỉnh dậy, kịp thời hô hoán, dùng bình cứu hỏa dập lửa”, anh Nguyên chia sẻ một kỷ niệm không bao giờ quên.
Cũng giống như nhiều startup khác, tài chính là câu chuyện rất đau đầu đối với CEO Selex Motors.
Năm đầu tiên, không có tiền đầu tư, kinh phí vận hành hoàn toàn dựa vào tiền vay mượn, tiền cá nhân, bản thân CEO không có lương. Năm thứ hai bắt đầu gọi được vốn nhà đầu tư "thiên thần" nhưng vẫn chưa hoàn toàn thuận lợi.
“Trong mấy năm đầu, khi hoạch định kế hoạch kinh doanh, chúng tôi chỉ nhìn xa được khoảng 3 tháng. Hành trình của bọn tôi giống như xây cầu qua một vực thẳm trong bóng tối, không biết đâu là bờ, nhưng vẫn quyết không từ bỏ”, anh Nguyên bồi hồi nhớ lại những khó khăn buổi đầu khởi nghiệp.
Thách thức chồng thách thức. Covid-19 ập đến. Định hướng sản xuất xe máy điện phân khúc cao cấp kiểu như SH không còn phù hợp. Kinh tế khó khăn. Thị trường tiêu thụ phổ thông đứt gãy, ngừng trệ.
CEO Selex Motors buộc phải ra quyết định cắt giảm lương. Nhân sự hao hụt gần một nửa.
“Cái khó ló cái khôn”, để tạo nguồn doanh thu mới, đội ngũ Selex nghiên cứu phát triển máy rửa tay tự động giúp phòng chống dịch. Chỉ trong 2 tháng, sản phẩm hoàn thiện, đưa ra thị trường, đem lại thành công bất ngờ cho startup non trẻ đang lâm cảnh nan nguy.
Trong bối cảnh đại dịch, logistics vẫn phát triển, thậm chí còn tăng trưởng mạnh. CEO Selex linh hoạt chuyển hướng sang phân khúc giao vận.
“Tôi gặp Giám đốc của Lazada Logistics, được biết bên họ có nhu cầu về xe điện. Họ đã thử một số loại xe của các hãng nhưng không phù hợp. Nghe tôi nói về giải pháp đổi pin, họ thích lắm. Bởi xe điện của họ phải sạc mất 8 tiếng, nghĩa là làm buổi sáng xong buổi chiều phải nghỉ để sạc. Họ ký luôn với chúng tôi thỏa thuận phát triển xe điện”, anh Nguyên tiếp dòng hồi tưởng.
Một “điều thần kỳ” nữa đến với Selex Motors trong đại dịch Covid-19, đó là gọi được vốn từ một số quỹ đầu tư mạo hiểm và từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dù chỉ trao đổi thông tin online. CEO Phước Nguyên cùng các cộng sự giảm bớt áp lực trên hành trình khởi nghiệp.
“Lọt mắt xanh” của nhiều “ông lớn” công nghệ và tổ chức uy tín quốc tế
Nghiên cứu và phát triển (R&D) được xác định là sức mạnh cốt lõi của Selex Motors để có thể cạnh tranh hiện tại và cả trong tương lai.
4 - 5 năm đầu tiên, hầu như tất cả mọi hoạt động đều xoay quanh R&D. Đến bây giờ, nhân sự R&D vẫn là lực lượng đông nhất, chiếm khoảng 50% tổng số nhân sự. Hiện Selex Motors có tới 10 bằng sáng chế, 9 thiết kế công nghiệp và nhãn hiệu được đăng ký.
Quá trình tập trung đầu tư R&D đã mang về “trái ngọt” cho startup xe máy điện, giúp biến “nguy” thành “cơ”.
Ngay trong đại dịch, startup trẻ xây dựng được cả nhà máy sản xuất xe điện và sản xuất pin bên Yên Viên – Gia Lâm (Hà Nội), với công suất khoảng 20.000 xe/năm, 100.000 pack pin/năm. Hơn 80% thành phần của xe được sản xuất trong nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Xe điện của Selex Motors đang là sản phẩm “Made by Vietnam” 80% của người Việt, liệu có thể đạt 100% hay không?”, CEO Phước Nguyên tự tin khẳng định: “100% là chuyện làm được. Nhưng có lẽ không cần thiết. Bởi chuỗi cung ứng toàn cầu có tính chuyên nghiệp hóa cao. Nhiều bộ phận của xe do mình làm có thể không cạnh tranh được. Quan trọng là mình làm chủ được thiết kế và công nghệ, làm chủ chuỗi cung ứng”.
Dây chuyền công nghệ tại nhà máy do đội ngũ Selex tự R&D. Tỉ mỉ tìm tòi trong phòng lab, từ việc thực hiện mối hàn, lắp ráp pin đảm bảo an toàn về nhiệt…, các kỹ sư Selex dần hình thành nên dây chuyền đáp ứng tiêu chuẩn công nghiệp để sản xuất quy mô lớn.
Mới đây, Selex Motors chính thức trở thành đối tác đầu tiên tại Việt Nam được Samsung SDI lựa chọn hợp tác để cung cấp cell pin chính hãng, cùng phát triển thị trường tại Việt Nam và Đông Nam Á.
“Chuyện này không phải chuyện ngẫu nhiên. Năm 2019, chúng tôi muốn mua pin của Samsung nhưng họ không bán. Có lẽ họ lo lắng Selex chỉ là startup nhỏ, không biết công nghệ có đạt chuẩn hay không. Nếu sản phẩm không đạt chuẩn an toàn có thể sẽ ảnh hưởng đến uy tín của họ. Chúng tôi đã kiên trì chứng minh trong khoảng 1,5 năm. Sau khi thăm quan nhà máy, đánh giá quy trình sản xuất, thiết kế của Selex, họ đã bị thuyết phục. Bây giờ họ lại trở thành những người phải đi cạnh tranh để bán hàng cho Selex bởi LG cũng muốn ký kết hợp tác, trở thành nhà cung cấp của chúng tôi. Khi mình làm chủ công nghệ và thiết kế, mình sẽ có lợi thế trong chuỗi cung ứng”, CEO thế hệ 8x chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng tự hào cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Selex Motors trở thành start-up xe máy điện đầu tiên và duy nhất trong khu vực Đông Nam Á nhận được đầu tư của ADB là một niềm tự hào lớn khác đối với CEO Phước Nguyên. Bí quyết thành công chỉ đơn giản là sự đam mê và kiên trì theo đuổi đam mê.
Thời gian gần đây, Selex Motors liên tiếp đón nhiều vị lãnh đạo quốc tế tới thăm. Một trong những kỷ niệm thú vị nhất đối với CEO Phước Nguyên là chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nhân vật có ảnh hưởng lớn đến tài chính toàn cầu.
“Chúng tôi quá ngạc nhiên khi mình là doanh nghiệp duy nhất được bà Bộ trưởng chọn trong danh sách đề xuất rất dài của Đại sứ quán Mỹ. Tôi nghĩ chuyến thăm đó có tính biểu tượng cao. Qua chuyến thăm một startup công nghệ nhỏ như Selex, có thể bà Bộ trưởng muốn gửi thông điệp: Mỹ rất ủng hộ Việt Nam tự làm chủ công nghệ và có thể trở thành một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Nước Mỹ và nhiều nước rất quan tâm đến lĩnh vực chuyển đổi năng lượng sạch, trong đó có xe điện”, CEO Phước Nguyên bày tỏ ấn tượng cá nhân về chuyến thăm đặc biệt dành cho 2 nhà sáng lập Selex - cựu du học sinh Việt từng nhận hỗ trợ từ Quỹ Học bổng VEF (Vietnam Education Foundation) được thành lập bởi Thượng viện Mỹ.
Hướng tới khát vọng “hàng đầu Đông Nam Á”
Những năm gần đây, “phát triển bền vững” và “năng lượng sạch” trở thành từ khóa phổ biến của thế giới, sản phẩm xe điện có rất nhiều cơ hội, dư địa phát triển.
“Dù chỉ là một doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô nhỏ, nhưng Selex đã nhận được rất nhiều lời mời hợp tác xuất khẩu sản phẩm từ các đối tác ở Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á… Điều này chứng tỏ sản phẩm của chúng tôi đang phát triển đúng xu hướng thế giới cần chứ không chỉ Việt Nam cần. Tuy nhiên, chúng tôi cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định hợp tác bởi sản phẩm xuất khẩu của chúng tôi không đơn thuần như kiểu gạo xuất khẩu, khách hàng ăn hết là xong, mà chúng tôi xuất khẩu cả hệ sinh thái sản phẩm kèm dịch vụ, liên quan tới rất nhiều vấn đề cần phải tính toán khi muốn phát triển thị trường lâu dài. Hiện chúng tôi đang làm việc với một số đối tác để có thể có những lô xe máy điện xuất khẩu đầu tiên sang một quốc gia ở Đông Nam Á”, anh Nguyên tiết lộ.
Mục tiêu “hàng đầu Đông Nam Á” đã được ba nhà sáng lập Selex Motors đề ra từ nhiều năm nay.
“Câu chuyện này không phải ngày một ngày hai nhưng chắc chắn sẽ thành hiện thực. Hành trình hướng tới mục tiêu của Selex sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn nếu có được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, giống như ở nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Nếu ví Selex như hạt giống tốt thì rất cần được vun trồng, chăm bón trên mảnh đất màu mỡ, nếu không thì sẽ dễ bị héo dần. Sự hỗ trợ từ Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc Selex trở thành một Hyundai của Việt Nam, ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới”, CEO Selex bày tỏ.
Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia có chính sách hỗ trợ phát triển xe điện rất mạnh mẽ. Chẳng hạn, tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, trong 1 triệu xe điện đầu tiên ra thị trường, mỗi chiếc xe máy điện bán ra được hỗ trợ 400 – 500 USD, ô tô điện nhận hỗ trợ 5.000 USD.
Tại Mỹ, năm 2009, Tesla cũng 6 năm tuổi như Selex bây giờ, chưa có nhà máy, mới ra sản phẩm mẫu, không gọi được vốn, có nguy cơ phá sản, đã được Chính phủ Mỹ hỗ trợ cho vay 465 triệu USD, một nguồn tài chính rất lớn đối với bất cứ công ty nào ở Mỹ. Chính phủ Mỹ hỗ trợ cho rất nhiều startup xe điện, Tesla không phải doanh nghiệp được vay nhiều nhất.
Trong khi đó, các chính sách thuế VAT hay thu phí đăng ký biển số xe điện cao như xe xăng của Việt Nam đang bất lợi đối với sự phát triển của dòng sản phẩm thân thiện môi trường, gây khó khăn cho những doanh nghiệp như Selex.
“Chúng tôi thiết tha mong muốn Chính phủ có những chính sách hỗ trợ ít nhất là ngang bằng với các nước trong khu vực, nếu cũng xác định ưu tiên chuyển đổi xanh. Hiện tại, Selex phát triển hơn khá nhiều doanh nghiệp xe điện trong khu vực, nhưng với sự hỗ trợ tốt hơn từ phía Chính phủ sở tại thì nhiều khả năng họ sẽ sớm vượt qua Selex. Tôi biết 1 startup ở Indonesia mới ra đời cách đây 2 năm, gọi được vốn 30 triệu USD kể cả khi trong tay chưa có xe, chưa có giải pháp công nghệ cụ thể. Cùng là startup như Selex, nhưng startup ở Indonesia có thể được nhà đầu tư quốc tế chi gấp 5 – 10 lần bởi chính sách hỗ trợ của Chính phủ Indonesia tốt hơn”, CEO Selex đề xuất.
Selex Motors là một trong những công ty xe điện đầu tiên xây dựng mạng lưới trạm đổi pin chia sẻ ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á. CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên đã đề xuất với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, đang mong muốn đề xuất với chính quyền thành phố Hà Nội và tiến tới là các địa phương khác trong cả nước về việc xây dựng hạ tầng xe máy điện dùng chung trên địa bàn thành phố. Việc dùng chung hạ tầng năng lượng sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực đầu tư và tăng hiệu quả sử dụng cho cộng đồng. |