Nước giúp nhiều bộ phận trong cơ thể thực hiện được chức năng. Nhưng để có được những lợi ích của nước, cần phải uống đúng cách. Nếu không, một người có thể gặp các vấn đề như rụng tóc, da xấu, bệnh tim, viêm khớp, đau dạ dày, khó tiêu, táo bón.
Tư thế uống nước
Theo Newsdayexpress, hầu hết mọi người đều uống nước một cách vội vàng. Một số người thậm chí còn uống nước khi đang chạy hoặc đi bộ. Nhưng làm như vậy có thể gây hỏng thận. Bởi vì, trong tình trạng đó, thận không có khả năng lọc nước dẫn tới viêm. Sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể bị rối loạn, gây đau khớp hoặc viêm khớp.
Theo các chuyên gia, nên uống nước khi ngồi. Lúc đó, thận ở trạng thái cân bằng và thư giãn, cơ bụng cũng được thả lỏng.
Không uống quá nhanh
Nếu bạn uống nước nhanh, cơ thể không có khả năng hấp thụ và đào thải nước ra ngoài đúng cách. Bởi vậy, bạn không nhận được lợi ích của nước. Ngoài ra, khi uống nhanh, nước không hỗ trợ tốt cho quá trình tiêu hóa, cân bằng axit. Do đó, bạn có nguy cơ gặp các vấn đề như đau dạ dày, chướng hơi, đầy hơi. Vì vậy, mọi người nên uống từng ngụm nhỏ.
Không uống nước lạnh
Khi uống nước lạnh từ tủ lạnh, cổ họng bị đóng lại gây ho và có đờm. Uống nước lạnh làm co mạch máu và ngăn máu đến hệ tiêu hóa, khiến thức ăn không được tiêu hóa. Khi uống nước lạnh với thức ăn, chất béo sẽ trở nên rắn và gây khó tiêu. Điều này có khả năng dẫn đến đau khớp và bệnh tim. Do vậy, chỉ nên uống nước ở nhiệt độ bình thường hoặc ấm.
Khi nào nên uống nước
Theo các chuyên gia, hãy uống nước bất cứ khi nào bạn cảm thấy khát. Ngoài ra, cần tạo thói quen uống nước vào buổi sáng. Ngay khi thức dậy, bạn nên uống từ 1 đến 2 cốc nước. Đồng thời, nên uống trước bữa ăn 30 - 40 phút và sau bữa ăn 40 phút.
Lượng nước cần uống
Nhu cầu nước trong một ngày phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, hoạt động thể chất, chiều cao… Tuy nhiên, trung bình một người nên uống từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày. Nhưng hãy nhớ rằng bạn cũng lấy nước từ trái cây và rau quả. Để biết lượng nước cần thiết cho bản thân, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia.