Theo thông tin trên báo chí, ngày 4/12, tại vòng xuyến ngã tư Trần Thái Tông - Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khi kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng phát hiện người đàn ông tên N.Đ.V trú tại quận Ba Đình đã vi phạm ở mức 0,09mg/lít khí thở. Người này cho biết do đang bị đau lưng nên vào các buổi tối, ông thường uống một chén rượu thuốc, không ngờ vẫn vi phạm nồng độ cồn và sẽ bị xử phạt 2,5 triệu, tước giấy phép lái xe 11 tháng. Xin bác sĩ lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và có cách nào để người bệnh đang điều trị bằng rượu thuốc tránh được tình huống trên? (Tuấn Anh, Bắc Ninh)
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời:
Việc sử dụng rượu thuốc chữa bệnh dưới dạng uống dù liều lượng nhỏ vẫn sẽ làm gia tăng nồng độ cồn dù ít.
Tùy từng bệnh lý cụ thể, người bệnh có thể uống trước bữa ăn, song song với lúc ăn hoặc uống trước khi đi ngủ. Do đó, sau khi uống rượu thuốc, nếu phải tham gia giao thông, người bệnh nên cân nhắc lựa chọn phương tiện phù hợp.
Thời điểm uống rượu thuốc tốt nhất là trước khi đi ngủ. Vì vậy, nếu bệnh nhân cần phải ra ngoài có thể chờ trước khi đi ngủ uống một ly vừa đủ để rượu thuốc phát huy tác dụng tối đa. Lưu ý, không uống vào ban ngày vì khi cơ thể hoạt động, thành phần rượu thuốc có thể bị bài tiết nhanh chóng.
Về tác dụng của rượu thuốc, từ xa xưa, trong Đông y, rượu được dùng làm dẫn chất trong một số bài thuốc. Người xưa thường dùng rượu thuốc để khử phong, tán hàn, dưỡng huyết, hoạt huyết, thư giãn gân cốt, thông kinh lạc. Rượu thuốc thường được chỉ định uống với một lượng rất ít và vào buổi tối.
Tuy nhiên, hiện nay, một số người dùng rượu thuốc uống đến say. Sai lầm này có thể gây tổn hại thần kinh, hao huyết, hỏng dạ dày, mất tinh lực...
Do đó, khi sử dụng rượu thuốc, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp, liều lượng phù hợp. Đặc biệt, phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên uống rượu thuốc. Người cao tuổi cơ thể suy yếu nếu sử dụng rượu thuốc cần giảm bớt liều lượng.