Trao đổi với PV VietNamNet, GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bão lụt, giảm thiểu thiệt hại và những vấn đề liên quan đến việc tái thiết vùng thiệt hại sau thiên tai.
Những số liệu về thiệt hại người và tài sản ở phía Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh và một số tỉnh miền núi sau bão Yagi đi qua khiến nhiều người không khỏi giật mình. Sau bão lụt, điều gì cần quan tâm nhất hiện nay, thưa ông?
Khắc phục hậu quả sau bão lụt là chuyện cực kỳ cấp bách và đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh thành đặc biệt quan tâm. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là tái thiết lại chỗ ăn, ở cho bà con bị mất nhà cửa.
Sau đó là việc phục hồi cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh ở các vùng bị thiệt hại. Ngoài ra, sau bão lụt, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến phòng chống dịch bệnh. Bởi vật nuôi, cây trồng thối rữa sau bão lụt có thể gây ra rất nhiều loại dịch bệnh cho con người.
Vấn đề tái thiết các vùng bị thiệt hại sau bão Yagi như Làng Nủ (tỉnh Lào Cai) hay tỉnh Quảng Ninh đang được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương gấp rút thực hiện. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lội bùn vào Làng Nủ tận mắt chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của bão lụt và những đau thương, mất mát mà người dân nơi đây phải gánh chịu.
Thủ tướng cũng đã giao tỉnh Lào Cai lo nơi ở mới cho người dân Làng Nủ. Theo đó, chậm nhất cuối tháng 12/2024, người dân Làng Nủ phải có nơi để ở, sinh sống ổn định, đảm bảo môi trường sống an toàn lành mạnh.
Với tỉnh Quảng Ninh, ngay sau khi bão Yagi đi qua, cùng với việc khắc phục thiệt hại cơ sở hạ tầng, tỉnh này đã có hàng loạt chính sách quan trọng chăm lo người yếu thế, người dân mất nhà cửa, chìm tàu. Để phục hồi sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề nghị các ngân hàng có chính sách giảm lãi suất, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Từ những thiệt hại do bão Yagi gây ra, cũng như việc thời tiết biến đổi ngày càng cực đoan, cần nhìn nhận như thế nào về yếu tố thích ứng, giảm nhẹ thiên tai, thưa ông?
Đó là những vấn đề lâu dài, nhưng mang tính căn cơ để giảm thiểu thiệt hại do bão lụt gây ra. Việc đầu tiên đó là nâng cao ý thức người dân trong phòng chống thiên tai. Đó là cách quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Làm sao phải để cho mỗi thôn, xóm, bản biết được trong vùng sinh sống của họ có những loại thiên tai nào, hiểm họa tiềm ẩn là gì.
Ví dụ như vùng biển khi bão lũ thường có giông lốc nên cần phải chằng chống nhà cửa, không đi ra đường. Còn vùng núi thường có lũ quét, lũ ống sau mưa, bão. Thành thị thì giông lốc gây đổ cây và vùng thoát lũ thì có ngập úng.
Hiểu rõ đặc điểm thiên tai, người dân mỗi vùng miền sẽ biết cách ứng phó. Ví dụ như trước khi mưa bão thì phải dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho vài ngày. Với những vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, trong những ngày mưa lũ, dân làng phải cắt cử người canh gác. Chỉ cần phát hiện sớm sự việc vài chục phút là có thể kịp di dời đến nơi an toàn.
Câu chuyện anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng (Bắc Hà, Lào Cai) khi phát hiện vết nứt 20cm trên đồi đã vận động 115 người dân trong thôn di dời đến nơi an toàn là một ví dụ điển hình cho việc ‘lấy cộng đồng làm nòng cốt’ trong việc chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão lụt. Đây cũng là bài học cho các nhà quản lý nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm trong phòng, chống bão lụt.
Bên cạnh đó, trong trường học cũng phải giáo dục cho học sinh thấy được điều bất thường của khí hậu. Khi hiểu biết về sự khắc nghiệt của khí hậu, người dân sẽ sẵn sàng chuẩn bị biện pháp ứng phó thiên tai.
Trận lũ quét vùi lấp Làng Nủ (tỉnh Lào Cai) để lại hậu quả rất lớn, làm 57 người chết, 10 người còn mất tích. Giải pháp nào mang tính bền vững để hạn chế thấp nhất những thiệt hại ở vùng núi?
Những trận lũ quét như vậy hình thành khi sông, suối bị lấp dòng chảy, rừng nguyên sinh không được dọn dẹp và hồ ngầm trong lòng núi. Khi mưa lớn dài ngày, đất đá ở những khu vực này có kết cấu không bền, nên dễ bị bục tạo thành lũ ống, lũ quét. Tôi nhiều lần đi chống lũ, chứng kiến nhiều cảnh ngộ không cầm được nước mắt, sự sống lúc đó rơi rớt trên vũng bùn, thật khủng khiếp.
Thực tế 20 năm nay, chúng ta đã có chương trình di dời dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Tuy nhiên, cũng có những làng bản, họ ở đó đến 300 - 400 năm nên rất khó di dời. Người dân vùng núi có thói quen sống gần nguồn nước. Đây là những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét khi mưa bão.
Do vậy, cách tốt nhất như tôi đã nói là phải làm thế nào để người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng về mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, người dân cũng phải xây nhà cửa vững chãi hơn để an tâm hơn trong mùa mưa lũ.
Về quản lý nhà nước, chúng ta phải tăng cường cơ sở hạ tầng để đảm bảo an toàn cho người dân. Thực tế, chúng ta cũng đã xây dựng nhà tránh lũ bão cho nhân dân ở vùng biển.
Ngoài ra, việc nghĩ đến di dân, chúng ta cũng phải tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với điều kiện thời tiết mỗi vùng miền. Có như vậy mới giảm được thiệt hại về kinh tế mỗi khi thiên tai xảy ra.
Trong đợt mưa lũ sau bão Yagi, nhiều vùng của Hà Nội và đồng bằng sông Hồng bị ngập lụt, hàng vạn hộ dân phải di dời, tài sản thiệt hại nghiêm trọng. Chúng ta có nên thay đổi quan điểm phát triển ‘hướng sông’ không, thưa ông?
Vấn đề này có rất nhiều quan điểm. Các cụ đã đúc kết ''nhất thủy nhì hỏa'', điều đó để thấy rằng những thảm họa thiên nhiên rất khó lường. Theo tôi, người dân ở trong hành lang thoát lũ là phải di dời để bảo đảm an toàn. Bên ngoài hành lang thoát lũ thì người dân được xây dựng, nhưng với thiết kế phù hợp.
Tuy nhiên, ở nhiều nước như Hà Lan, họ coi mưa lũ vượt tần suất là bình thường. Do vậy, họ làm đê siêu bền, người dân được xây dựng nhà trong hành lang thoát lũ, nhưng không được cản trở dòng chảy. Thực tế sông Trường Giang (Trung Quốc) hung dữ hơn sông Hồng rất nhiều, nhưng người dân vẫn được sống ở ven đê. Thậm chí họ xây dựng cả thành phố Vũ Hán đẹp lung linh ở bên sông Trường Giang.
Việc khai thác quỹ đất bãi bồi, bãi giữa sông Hồng là việc nên làm, nhưng cần phải tính toán thật kỹ các giải pháp để đảm bảo an toàn về mùa mưa lũ.
Xin cảm ơn ông!