Tại Mỹ, khi sản lượng xe hơi đang giảm sút trầm trọng, ngày càng nhiều người mua ô tô phải bỏ ra số tiền cao hơn mức giá đề xuất chỉ để sở hữu một chiếc xe. Nghiên cứu mới từ công ty nghiên cứu về thị hiếu người dùng và thị trường GfK AutoMobility cho biết hiện tượng này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng về lâu dài mối quan hệ và lòng trung thành của khách hàng đối với các thương hiệu.
Nghiên cứu của công ty trên cho rằng 80% người mua ô tô vào tháng 5 và tháng 6 năm 2022 đã trả bằng hoặc cao hơn giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất cho những chiếc ô tô mới. Trong số đó, 34% người mua đã trả các khoản phí mà họ chưa bao giờ nghe đến trước đây, 31% đã mua một mẫu xe không phải là lựa chọn ưng ý nhất, 30% phải bỏ lỡ các tính năng mong muốn trên chiếc xe và 30% phải mua xe từ một đại lý không phải là lựa chọn đầu tiên của họ.
Sau khi phải sở hữu ô tô với giá đắt, thái độ của khách hàng đã trở nên tiêu cực hơn. Số liệu khảo sát chỉ ra rằng 31% người mua trả tiền trên giá đề xuất sẽ bảo người khác không đến đại lý mà họ đã giao dịch. Việc này cũng ảnh hưởng nhiều tới các nhà sản xuất khi 27% khách hàng mua xe giá đắt cho biết họ sẽ không bao giờ mua lại cùng một thương hiệu.
Tỷ lệ người mua xe giá cao hơn mức đề xuất cho biết họ sẽ không quay lại đại lý bán xe giá đắt để được cung cấp dịch vụ đã đạt 32%, tức tăng 9% chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6. Ngoài ra, 35% người mua sẽ khuyên người khác không đến các cửa hàng đó.
Nhà nghiên cứu Julie Kenar tại GfK AutoMobility cho biết: "Ảnh hưởng của sự đổ vỡ chuỗi cung ứng và lạm phát sẽ khiến giá ô tô tăng cao kỷ lục. Nhưng các nhà sản xuất và đại lý cần phải nghĩ xa hơn về vấn đề này để bảo vệ thương hiệu lâu bền. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng khách hàng cảm thấy rất thất vọng với các đại lý bán xe giá đắt, điều này sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ trong tương lai".