Nhà báo coi tác nghiệp là hoạt động văn hóa
Sinh thời Bác Hồ dạy: Báo chí là văn hóa thì tất nhiên đòi hỏi người làm báo phải có văn hóa, nhà báo coi tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa.
Chắc không mấy ai dám vỗ ngực xưng mình là “nhà văn hóa”, tuy nhiên về thực chất, có văn hóa là yêu cầu quán xuyến cuộc đời nghề nghiệp của bất kỳ ai dấn thân vào nghề báo, viết văn hay làm nghệ thuật1.
Những năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã tự bồi đắp giá trị văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa, định hình tiêu chuẩn văn hóa để cán bộ, phóng viên tự giác thực hiện. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí được nâng cao, nhiều giá trị tốt đẹp được lan tỏa tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn không ít nhà báo, cơ quan báo chí xa rời các chuẩn mực văn hóa, thậm chí có những hành vi, biểu hiện lệch chuẩn, chạy theo xu hướng thương mại hóa, biến tờ báo thành công cụ phục vụ thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, xa rời nhiệm vụ chính trị và giá trị nhân văn... Trên các diễn đàn chính thức, thưa vắng những bàn luận về xây dựng tiêu chí văn hóa cho nhà báo, cơ quan báo chí, đặc biệt trong tình hình mới.
Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân đã phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, công bố Tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa.
Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc
Tựu trung, để trở thành nhà báo văn hóa, phải hội đủ 3 yếu tố: Có đạo đức nghề nghiệp trong sáng - Thượng tôn pháp luật - Tài năng. Trước đây, cố nhà báo Hữu Thọ khái quát bằng 3 từ: Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc.
Mắt sáng giúp nhà báo nhìn đúng bản chất của sự vật, hiện tượng, chọn đúng vấn đề có lợi cho dân, cho nước để thông tin, phản ánh. Lòng trong là tâm sạch, đạo đức bền vững, tránh xa cám dỗ tầm thường. Bút sắc là sức mạnh nội dung và hình thức bài báo, làm lay động lòng người, khiến tác phẩm có sức ảnh hưởng tích cực. Nhà báo văn hóa là người hội đủ 3 tố chất nêu trên.
Để trở thành cơ quan báo chí văn hóa, phải đáp ứng được 4 tiêu chuẩn: Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp - Thượng tôn pháp luật - Có môi trường công sở văn hóa - Có thương hiệu, uy tín, tầm ảnh hưởng.
Đạo đức trong sạch, thượng tôn pháp luật, tự khắc nhà báo, cơ quan báo chí sẽ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất cách mạng của người chiến sĩ cầm bút trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, hành nghề có trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân, với gia đình, đồng chí, đồng nghiệp.
Đạo đức trong sáng, tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ giúp nhà báo và cơ quan báo chí nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của mình trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bài báo sẽ thấm đẫm tính chiến đấu, tinh thần dân tộc, tính nhân văn, nhân đạo…
Nhưng trong bối cảnh truyền thông hiện đại ngày nay, khi mà chuyển đổi số là yêu cầu tự thân, khi báo chí đang trong cuộc cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội và truyền thông Internet nói chung, khi ai có công nghệ trong tay đều có thể trở thành “nhà báo công dân”, sản xuất “tờ báo công dân”, thì không thể nói về văn hóa báo chí mà không nhấn mạnh yếu tố tài năng, bao gồm trí tuệ, kỹ năng và sự sáng tạo.
Đổi mới để tạo lối đi riêng, tầm ảnh hưởng riêng
Nhà nghiên cứu truyền thông nổi tiếng George Sylvie cho rằng: Sản phẩm truyền thông là sản phẩm của tài năng2. Tài năng của nhà báo thời đại 4.0 phải hội tụ “5 trong 1”: Thành thạo công nghệ số để tạo nên giá trị mới; có kỹ năng khai thác, xử lý, kiểm chứng thông tin số; năng lực sáng tạo nội dung đa nền tảng và tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện; kỹ năng làm việc nhóm; viết giỏi.
Tài năng góp phần dệt tầm vóc văn hóa của nhà báo, và đồng thời, bồi tụ thương hiệu, uy tín của tờ báo và cơ quan báo chí. Chính tài năng sẽ đem đến giá trị khác biệt giữa các nhà báo và tờ báo.
Bước vào thời đại công nghiệp 4.0, trong khi nhiều tờ báo in phải đóng cửa hoặc chuyển sang phát hành online, phiên bản điện tử, thì một số lại lội ngược dòng với những sáng kiến. Báo in có mùi, có vị, có ánh sáng phát ra trong bóng đêm, có câu chuyện kể bằng giọng hát trong khi câu chuyện khác được kể lại bằng việc sử dụng trò chơi, có thể giúp độc giả thử mỹ phẩm trang điểm… đã trở thành có thật. Có một quảng cáo mà người đọc có thể gỡ nó ra khỏi tạp chí, đặt bên cạnh giường ngủ và sẽ được thưởng thức những âm thanh êm dịu và mùi hoa oải hương, giúp họ chìm sâu vào giấc ngủ. Có một tạp chí in hoàn toàn nhưng độc giả lại phải nghe nó để có thể hiểu hết câu chuyện…
Ở bình diện chuyển đổi số, cơ quan báo chí văn hóa chính là cơ quan dám mạnh dạn thử nghiệm những mô hình mới, những cách làm mới, những dạng thức truyền thông mới, với mục đích cao nhất là chiếm lĩnh công chúng thông minh, lan tỏa uy tín, thương hiệu, tạo nên lối đi riêng, tầm ảnh hưởng riêng.
Đáng buồn là, thực tế ở Việt Nam hiện nay, ngoài một số cơ quan báo chí lớn có tiềm lực kinh tế và nhân sự, nhiều tờ báo còn lúng túng trong triển khai mô hình toà soạn hội tụ, chưa có sản phẩm đa phương tiện. Nhiều đài phát thanh, truyền hình, cơ quan báo in ít đầu tư số hoá sản phẩm để phát hành trên website riêng của mình.
Trong khi báo chí trên nền tảng mạng xã hội có tiềm năng rộng mở, nhiều cơ quan báo chí có Fanpage đưa tin tức trên đó, giúp tiếp cận với thị trường công chúng hơn 70 triệu người dùng, thì không ít tờ báo vẫn thờ ơ đứng ngoài. Hệ tác phẩm báo chí số, báo chí dữ liệu (data journalism, inforgraphics, mega story, long form, lens, podcast...), báo chí trí tuệ nhân tạo AI (phóng viên robot, phát thanh viên robot, kỹ thuật viên robot…); báo chí thực tế ảo... có thể thay đổi diện mạo và hiệu quả hoạt động, nhưng còn vắng bóng ở rất nhiều tờ báo. Báo chí mobile cũng chưa được ứng dụng rộng rãi...
Chậm đổi mới, ít sáng tạo, đồng nghĩa với ì trệ, lạc hậu, giảm sút sức cạnh tranh, bị công chúng lãng quên. Tờ báo sẽ nghèo đi, thiếu chuyên nghiệp. Nhiệm vụ chính trị, vai trò xã hội của tờ báo đều không đạt được.
Cho nên, nói tài năng, tri thức, sự sáng tạo là tố chất tạo nên văn hóa báo chí, chính ở lẽ đó.
Mỗi cơ quan nên xây dựng Bộ tiêu chí văn hóa phù hợp
Hẳn hầu hết nhà báo và cơ quan báo chí đều mong muốn có được danh xưng nhà báo văn hóa, tờ báo văn hóa.
Để giúp mong muốn thành hiện thực, việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí là điều kiện cần. Bên cạnh tuân thủ Bộ tiêu chí được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phát động, mỗi cơ quan báo chí nên xây dựng Bộ tiêu chí văn hóa đặc thù, phù hợp điều kiện thực tiễn, làm cơ sở để tất cả lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên thực hành, như thói quen rửa mặt mỗi ngày.
1 Dẫn theo: Báo chí và văn hóa, Nhà báo Phan Quang, https://vov.vn/vov-binh-luan/bao-chi-va-van-hoa-201383.vov.
2 Media management – a casebook approach, George Slyvie, Routledge, 2008, p.207.
PGS.TS.Trương Thị Kiên
Phó Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền