Giá tăng nóng, nông dân lãi lớn
Giá hạt tiêu tăng từng ngày cũng là thời điểm bà con nông dân ở vựa hồ tiêu Xuân Lộc (Đồng Nai) tất bật thu hoạch. Tuy năm nay năng suất giảm nhưng đổi lại, giá tiêu tăng cao chót vót, đem lại thu nhập cao cho người nông dân gắn bó với loại hạt được ví như “vàng đen” của Việt Nam.
Hiện, hạt tiêu được thu mua với giá 92.000-95.000 đồng/kg - mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua nếu so với tháng 3/2020, thời điểm giá tiêu chạm đáy 34.000 đồng/kg. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, giá mặt hàng này tăng 25-30%.
Ông Trần Cao Thắng ở xã Suối Cao (Xuân Lộc) phấn khởi chia sẻ, hạt tiêu đang thu hoạch, vụ này sản lượng đạt khoảng 3,5 tấn.
Theo ông, giá hạt tiêu phụ thuộc vào tùy loại, hàng đạt chất lượng còn được công ty thu mua cộng thêm điểm thưởng. Như hạt tiêu khô hàng đẹp, giá có thể lên tới 100.000-102.000 đồng/kg.
Trồng 2,5ha tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Hùng dự kiến vụ tiêu cho thu hoạch khoảng gần 8 tấn.
Tầm này năm ngoái, giá tiêu dao động trong khoảng 63.500-66.000 đồng/kg, nay tăng lên 95.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình ông thu lãi khoảng 600 triệu đồng.
Ông Phan Ngọc Toản trồng 2ha hồ tiêu ở huyện Bù Đăng (Bình Phước) cũng chia sẻ, 1ha cho sản lượng khoảng 13 tấn tiêu tươi, tương đương 4 tấn hạt tiêu khô.
Vài năm gần đây, ông chuyển sang trồng hồ tiêu hữu cơ nên giá bán cao hơn 30% so với giá tiêu thường. Vụ này, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 700 triệu đồng.
Tại cảng khu vực TP.HCM, ngày 27/2, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu ở mức 3.900 USD/tấn và 4.000 USD/tấn; giá hạt tiêu trắng ổn định ở mức 5.700 USD/tấn.
Tháng 2/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 4.082 USD/tấn, tiếp tục tăng 2% so với tháng 1 và tăng mạnh 35,9% so với tháng 2/2023.
Trên thị trường thế giới, ngành hồ tiêu Việt chiếm 40% sản lượng, nhưng chiếm 60% thị phần xuất khẩu. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cho biết, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua.
Dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu sẽ diễn ra sôi động. Do chênh lệch mùa vụ nên giá hạt tiêu tiếp tục neo ở mức cao. Trong số những nước có sản lượng hạt tiêu lớn, Brazil đã qua mùa thu hoạch, Việt Nam bước vào mùa, trong khi chính vụ của Indonesia và Malaysia vào tháng 7 hàng năm.
Đáng chú ý, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam được dự báo ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, trong khi nguồn cung từ các nước khác lại không đủ bù đắp. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá hạt tiêu tăng nóng ngay từ đầu vụ.
Điều này thể hiện rõ qua thực tế xuất khẩu hạt tiêu trong hai tháng đầu năm khi lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt 35.000 tấn, giá trị thu về 143 triệu USD, tuy giảm 12,3% về lượng nhưng tăng 12,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Thời hoàng kim mới bắt đầu?
Nhận định về giá hạt tiêu trong năm nay với PV. VietNamNet, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), dự báo có thể tăng lên ngưỡng 120.000-150.000 đồng/kg.
“Hạt tiêu chính thức bước vào chu kỳ tăng giá mới”, ông Bính nói. Theo dõi ngành hồ tiêu nhiều năm nay, ông nhận thấy mỗi chu kỳ tăng giá thường kéo dài cả thập kỷ.
Chu kỳ tăng giá gần nhất kéo dài từ năm 2006 đến 2015. Theo đó, giá hạt tiêu tăng từ 16.000 đồng/kg vọt lên 220.000 đồng/kg - thời hoàng kim của hạt tiêu Việt Nam. Lúc bấy giờ, 1ha hồ tiêu nông dân có thể lãi từ 560-700 triệu đồng. Hạt tiêu được coi là “vàng đen” của Việt Nam.
Ông Bính nhìn nhận, giá hạt tiêu có thể rung lắc nhưng theo chiều hướng đi lên chứ không thể giảm về mức đáy như thời gian qua. Đặc biệt, chu kỳ tăng giá mới này có thể kéo dài tới 12-15 năm.
“Giá hạt tiêu sẽ quay lại thời hàng kim, thậm chí có thể đạt mức 300.000-350.000 đồng/kg”, ông dự báo. Bởi, những năm qua diện tích cây hồ tiêu ở nước ta giảm mạnh do giá thấp, người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản lượng hồ tiêu ở Việt Nam và cả các quốc gia khác.
Trước đây, giá hạt tiêu cao chót vót, nông dân ồ ạt mở rộng diện tích. Giờ giá cao nhưng diện tích cũng khó mở rộng vì “không còn đất để trồng”. Sản lượng hạt tiêu toàn cầu có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu vẫn tăng sẽ giúp cho giá loại hạt này đứng ở mức cao trong nhiều năm tới, ông cho hay.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thông tin, nhu cầu hạt tiêu dự báo tăng và người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao. Trong đó, các thị trường Mỹ, EU, Trung Đông,... gia tăng nhu cầu nhập các sản phẩm đáp ứng tính bền vững về các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Ông Tài cho rằng đây là thách thức, song cũng là cơ hội cho các nước xuất khẩu hạt tiêu và cây gia vị như Việt Nam để thay đổi và phát triển. Nông dân, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng hạt tiêu, áp dụng biện pháp chế biến sâu để gia tăng giá trị.