Nội địa không thể bù quốc tế
Tại hội thảo Phục hồi và Phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới tổ chức ngày 24/5, ông Bùi Minh Đăng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho hay, trong sự hồi phục của ngành hàng không, thị trường nội địa chiếm vai trò rất lớn. Hiện nhu cầu vận chuyển nội địa tương đương, thậm chí còn tăng trưởng cao hơn cả năm 2019.
Ông Đăng dẫn chứng, như giai đoạn hè 2020 hay kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, các hạn chế liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ cùng với nhu cầu du lịch nội địa bùng nổ nên thị trường hồi phục mạnh mẽ.
Lượng khách hàng không tăng dần qua các tháng, cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường nội địa đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so với cùng kỳ 2019 và chỉ riêng tháng 4/2022, thị trường hàng không nội địa đã đạt 3,6 triệu khách tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù vậy, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đánh giá, ngành hàng không phục hồi chưa được như mong muốn do hàng không quốc tế vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thị trường quốc tế chỉ đạt gần 7% so với cùng kỳ 2019 và cả năm, dự kiến sản lượng chỉ đạt khoảng 1/3 so với thời điểm trước dịch.
Ông Tuấn cho rằng, mặc dù Việt Nam đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi như bỏ giấy xét nghiệm trước khi nhập cảnh, miễn cách ly,… nhưng một số thị trường chưa thực sự mở cửa, như Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “zero Covid”, Hàn Quốc, Nhật Bản từ 1/6 mới bỏ các biện pháp hạn chế nhập cảnh... Trong khi đó, 60-65% doanh thu của các hãng hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines, đến từ các đường bay quốc tế.
“Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2022 đại dịch kết thúc, từ năm 2023 hàng không sẽ hồi phục trở lại”, Thứ trưởng Tuấn nói.
Ngoài ra là các khó khăn nội tại của các hãng hàng không. Sau hai năm vật lộn với dịch bệnh, các hãng bay trong nước đang phải xoay xở để có nguồn tiền duy trì hoạt động. Nhân lực hàng không không chỉ bị xáo trộn, mà đến giai đoạn hồi phục lại đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động chuyên môn, nhất là tổ bay, nhân viên kỹ thuật,...
Đặc biệt, một yếu tố làm đảo lộn kịch bản phục hồi và phát triển của hàng không là giá nhiên liệu tăng cao. Theo Cục Hàng không Việt Nam, giá nhiên liệu JET A1 trên 160 USD/thùng (tăng gần 30% so với dự kiến) và chiếm trên 40% chi phí khai thác đang tác động nặng nề tới hoạt động của các hãng. Chưa kể, chiến sự Nga-Ukraine khiến hoạt động khai thác hàng không quốc tế cũng bị ảnh hưởng.
Xem xét các gói hỗ trợ đặc biệt
GS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhận định, triển vọng phát triển ngành hàng không Việt Nam khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau đại dịch khi khai thác nội địa bứt phá, các chuyến bay quốc tế đưa khách nước ngoài trở lại cũng dần sôi động.
Hiện tại, đang có một số dự báo về quy mô phục hồi ngành hàng không trong năm 2022, nhưng kịch bản trung bình với tính khả thi cao là năm nay, hàng không Việt Nam đón 42-43 triệu lượt hành khách, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, lượng khách nội địa gần như phục hồi hoàn toàn so với trước dịch, nhưng thị trường quốc tế giảm 72-80% so với năm 2019 và sẽ cần một thời gian dài hơn để hồi phục.
Để các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không có thể sớm phục hồi và phát triển, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, việc có một nguồn vốn/dòng tiền bền vững là điểu hết sức quan trọng. Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc thu xếp nguồn vốn, đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không cũng cần được xem xét, tính đến. Đó là việc đề nghị Chính phủ xem xét các gói hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp hàng không như cho vay gói tái cấp vốn với các hãng hàng không lãi suất 0%, thời hạn tối đa 3 năm hay bảo lãnh cho doanh nghiệp hàng được vay gói hỗ trợ 25.000 tỉ đồng.
Theo TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần tận dụng cơ hội, khi Việt Nam đã kiểm soát an toàn dịch bệnh, để bứt phá. Tuy nhiên, tình thế giờ đã khác nên giải pháp phải khác.
Ông Thiên cho rằng, cần đặt hàng không và du lịch trong bối cảnh hồi phục của nền kinh tế quốc gia, trong bối cảnh mở cửa mạnh mẽ mặc dù một số nước vẫn ám ảnh nỗi sợ Covid. Đầu tiên, phải đảm bảo thị trường trong nước sôi động, trong khi thị trường nước ngoài chưa sẵn sàng mở cửa.
Song song đó, phải cởi mở hơn trong việc đón khách quốc tế. Hiện chúng ta vẫn rụt rè “quá mức cần thiết” về chính sách visa, trong khi đất nước rất an toàn và độ hiếu khách cao. Đây cũng là cơ hội để cải cách thể chế, cải cách mạnh mẽ hơn về về mặt thủ tục, quy trình.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ không chỉ cho Vietnam Airlines mà cả các hãng khác vì hoạt động hàng không là rất nhạy cảm. Do dịch bệnh nên du lịch, đi lại cả người dân hạn chế, ảnh hưởng lớn đến số lượng chuyến bay khai thác. Trong bối cảnh các nước khác cũng có giải pháp hỗ trợ cho hàng không, ngoài nội lực của các hãng bay, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì nguy cơ các hãng nước ngoài có tiềm lực mạnh sẽ gia tăng cạnh tranh và rất có thể gây ảnh hưởng, vẽ lại bản đồ hàng không trong nước.
Hà Yên