Thị trường chứng khoán ghi nhận thị giá cổ phiếu BMP liên tiếp lập đỉnh, tăng khoảng 34% trong hơn một tháng qua. Với hơn 81 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Nhựa Bình Minh đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu BMP lập đỉnh, cổ đông hưởng lợi lớn nhất là Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan khi doanh nghiệp này nắm giữ hơn 45 triệu cổ phiếu (tương đương 55%) của Nhựa Bình Minh thông qua công ty con Nawaplastic.
Công ty con này của SCG trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh từ tháng 3/2012. Sau nhiều lần mua gom, với tỷ lệ nắm giữ như hiện tại, ông lớn SCG đang có toàn quyền chi phối Nhựa Bình Minh.
So với mức giá cổ phiếu BMP hồi tháng 4/2018, thời điểm Nawaplastic bắt đầu tăng cường thu gom, thị giá cổ phiếu BMP giao dịch ở khoảng 33.000 đồng/cp. Đến tháng 4/2023, giá cổ phiếu này bất ngờ bứt tốc, lên quanh mức 81.000 đồng/cp. Từ đó đến nay, cổ phiếu của Nhựa Bình Minh không ngừng tăng và đạt đỉnh như hiện tại.
Như vậy, ông lớn doanh nghiệp Thái Lan đã hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng nhờ giá trị cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua.
Bên cạnh đó, Nhựa Bình Minh còn nhiều lần chia cổ tức với tỷ lệ trên 100%. Năm 2023, doanh nghiệp chia cổ tức kỷ lục với tỷ lệ 126% bằng tiền, trong đó cổ đông Thái Lan bỏ túi gần 570 tỷ đồng.
Trong năm 2024, dự kiến Nhựa Bình Minh sẽ để 50% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức.
Thời gian gần đây, cổ phiếu ngành nhựa được nhà đầu tư quan tâm trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành nhựa dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2024.
Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) dự báo, quy mô ngành nhựa Việt Nam sẽ đạt 10,92 triệu tấn vào năm 2024. Con số này có khả năng sẽ tăng lên 16,36 triệu tấn vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 8,44% từ năm 2024 đến 2029.
VIRAC cho biết, ngành nhựa Việt Nam kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội xuất khẩu khi các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP)... có hiệu lực, từ đó tiến ra thị trường toàn cầu mạnh mẽ hơn.
Đến nay, ngành nhựa Việt Nam có khả năng sản xuất được các loại nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE với công suất gần 3 triệu tấn/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại là nhập khẩu.