Ngày 29/6, ông Jan Van Voorn, Phó Chủ tịch Điều hành & Giám đốc Bảo vệ Nội dung Toàn cầu của Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE) thuộc Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đã có cuộc trao đổi với VietNamNet xoay quanh vấn đề vi phạm bản quyền trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ông Jan Van Voorn, Phó Chủ tịch Điều hành & Giám đốc Bảo vệ Nội dung Toàn cầu của ACE. (Ảnh: Thanh Hải).

Ông Jan chia sẻ, vi phạm bản quyền ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế. "Theo các nghiên cứu, Việt Nam có thể tổn thất ít nhất 20% doanh thu tiềm năng của ngành công nghiệp nội dung. Đây là mất mát lớn, không thể tái đầu tư cho nội dung. Nó kéo theo những hệ lụy như doanh nghiệp không nhận được đầu tư, không thể tuyển dụng lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến chính người xem. Ngoài ra, nó còn liên quan đến các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, phát tán mã độc", ông nhấn mạnh.

Nhận định xâm phạm bản quyền tại Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, trong đó nhiều web lậu lớn trên thế giới do người Việt vận hành, ông Jan dẫn ví dụ của website zoro.to. Đây là trang web cung cấp phim hoạt hình (anime) không bản quyền miễn phí, không cần đăng ký tài khoản. Theo SimilarWeb, Zoro.to xếp hạng thứ 180 trên thế giới và xếp thứ 6 trong các website streaming và chương trình TV trực tuyến ở Mỹ. Lượt truy cập hàng tháng của trang web này dao động trên 200 triệu, phần lớn từ Mỹ và Ấn Độ.

Thông thường, với các website vi phạm bản quyền, ACE sẽ áp dụng nhiều hình thức xử lý linh hoạt, một trong số đó là “knock and talk” (gõ cửa và nói chuyện). Sau khi tìm ra người vận hành web lậu thông qua các hoạt động điều tra, liên minh sẽ tìm gặp và làm việc trực tiếp với họ.

Zoro.to xếp thứ 6 trong danh sách website Streaming và TV movies tại Mỹ ngày 29/6/2023. (Nguồn: SimilarWeb)

Đối tượng mà ACE hướng tới không phải người dùng cuối mà là người vận hành, cụ thể là người vi phạm nghiêm trọng nhất, vận hành website có lượng truy cập lớn nhất. Nếu thỏa thuận qua “knock and talk” không hiệu quả, tổ chức mới chuyển hồ sơ đến các cơ quan quản lý nhà nước đề nghị hỗ trợ. Dù vậy, chỉ có 5% trong hàng trăm vụ việc mà ACE đã xử lý phải lên cấp cao hơn.

Không chỉ làm việc với bên vận hành web vi phạm, ACE còn áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao nhận thức của người dùng cuối. Chẳng hạn, khi thu lại được quyền vận hành web vi phạm, ACE sẽ chuyển hướng truy cập của người xem đến trang web của mình và giải thích về tác hại khi dùng web lậu. Một hoạt động khác là phối hợp cùng KOL. Chẳng hạn, tại Philippines, ACE mời người nổi tiếng đến ký cam kết không xem nội dung vi phạm bản quyền và kêu gọi những người theo dõi họ cũng làm như vậy.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Jan cho biết mục tiêu của ACE là "đóng cửa trang web hoàn toàn, tránh tình trạng đóng rồi mở". Tại Mỹ, năm 2018, tổ chức phát hiện 1.400 website vi phạm và sau khi đấu tranh, con số nay chỉ còn 36. Việc này không thể thành công nếu thiếu sự vào cuộc của Bộ Tư pháp và cơ quan công tố Mỹ.

Với bối cảnh hiện nay, vi phạm ở một nước sẽ ảnh hưởng đến các nước khác và ngược lại. Chính vì vậy, ACE bày tỏ hy vọng Việt Nam nhìn nhận và có cách xử lý theo hướng toàn cầu. ACE sẽ làm việc với các cơ quan có thẩm quyền và Đại sứ quán Mỹ hỗ trợ và đề xuất Chính phủ Việt Nam xử lý bằng các biện pháp phù hợp. Đối với các chủ sở hữu quyền, việc chứng minh trang web vi phạm không nên quá phức tạp. Ngoài ra, cuộc chiến chống vi phạm bản quyền không thể thiếu sự tham gia của các tổ chức trung gian như ISP, đơn vị quảng cáo, thanh toán.

Đến Việt Nam lần này, ACE sẽ làm việc cùng Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông cùng với các doanh nghiệp K+, FPT và BHD. Liên minh đặt mục tiêu mở rộng thêm nhiều thành viên hơn nữa trong tương lai. Xử lý hiệu quả các trang web xâm phạm bản quyền sẽ giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và làm tăng nguồn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí, phát thanh và truyền hình.

ACE là tổ chức được thành lập năm 2017 từ ý tưởng muốn có thêm nhiều thành viên hơn để cùng nhau chống lại việc vi phạm bản quyền. Sau 6 năm, ACE đã có 140 nhân viên trên toàn cầu, công tác trong mọi lĩnh vực như điều tra viên, luật sư, cựu cảnh sát… để đảm bảo có thể giải quyết bất cứ vấn đề nào. Từ 26 thành viên ban đầu, đến nay ACE đã đại diện cho hơn 50 công ty giải trí lớn như Amazon, Apple, Netflix và cùng nhau làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để trao đổi vấn đề bản quyền nội dung.