Ấn Độ là một thị trường tiêu thụ xe hơi tỷ dân không thua kém Mỹ hay Trung Quốc. Vì vậy, chính phủ Ấn Độ đang rất tích cực nội địa hóa nhanh chóng ngành công nghiệp ô tô, với khẩu hiệu “Make in India”.
Hiện tại, chính phủ Ấn Độ sẵn sàng sử dụng các ưu đãi lớn đối với các sản phẩm ô tô bất kể là từ hãng nước ngoài hay trong nước, nếu có tỷ lệ linh kiện nội địa hóa cao nhằm khuyến khích một chiến dịch vực dậy và làm vững chắc ngành xe hơi của nước này một cách chưa từng có.
Nội địa hóa là một vấn đề không hề dễ dàng, nhất là ở những nước chịu có ngành công nghiệp ô tô chịu ảnh hưởng của nhà đầu tư nước ngoài. Đơn giản là các hãng ô tô nước ngoài không muốn tốn kém để đầu tư các dây chuyền sản xuất linh kiện tại địa phương mà thay vào đó là nhập khẩu để lắp ráp, vừa rẻ, tiện lợi và đôi khi còn có chất lượng đảm bảo hơn.
Việc bị phụ thuộc vào nhập khẩu có thể thấy rõ như ở nước Nga, khi bị cấm vận, các hãng xe hơi nước ngoài bỏ đi, ngành công nghiệp ô tô Nga đã lập tức đối mặt với khủng hoảng trầm trọng do thiếu hụt linh kiện sản xuất, xuất phát trực tiếp từ việc thiếu tính nội địa hóa.
Thậm chí tại Mỹ, chính phủ ban hành chính sách ưu đãi tín dụng tới 7.500 USD cho các cá nhân mua xe điện được sản xuất nội địa cũng với mục đích là bảo vệ ngành ô tô trong nước và tăng tính cạnh tranh đối với các mẫu xe nhập khẩu tới từ nước ngoài.
Riêng đối với Ấn Độ, bên cạnh các chính sách trợ giá đối với ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao, sử dụng nhiều linh kiện do trong nước sản xuất, thì chính phủ cũng tăng cường áp thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu từ nước ngoài. Nhờ đó các mẫu ô tô “Make in India” có giá ngày càng cạnh tranh hơn so với xe nhập khẩu hoặc xe có tỷ lệ nội địa hoá thấp.
Kể từ tháng 8/021, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ (SIAM) và Hiệp hội các nhà sản xuất linh kiện ô tô (ACMA) đã công bố nghiên cứu xác định 12 thành phần chính trên ô tô có tiềm năng nội địa hóa cao để tiến hành công cuộc sản xuất trong nước, giảm giá thành linh kiện và tránh bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Bên cạnh đó, theo ông Nitin Gadkari – Bộ trưởng Bộ Giao thông, Ấn Độ đã áp dụng Chính sách phế liệu phương tiện là một biện pháp nhằm góp phần loại bỏ các phương tiện cũ kỹ, không đảm bảo, đồng thời thúc đẩy mua sắm phương tiện mới của người tiêu dùng.
Sự kết hợp trên đều hướng tới một mục tiêu là phát triển ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ nhanh chóng nhưng bền vững và mang tầm giá trị cốt lỗi.
Mới đây nhất, mẫu xe Kushaq SUV của hãng Skoda – một tập đoàn xe hơi đến từ Czech đã gây bất ngờ lớn với tỉ lệ nội địa hóa tới 90%. Hay Citroen, một tân binh mới gia nhập thị trường ô tô Ấn Độ cũng cam kết sẽ đồng hành với sáng kiến “Make in India” của chính phủ và các sản phẩm chào bán sẽ mang hàm lượng công nghệ Ấn Độ cao, sử dụng nhiều linh kiện nội địa.
Hùng Dũng