>> Bài 1: Rủi ro lớn nhất là thanh khoản
Công cụ hạn mức tín dụng không còn có ý nghĩa
Thưa ông, ông là một trong số các chuyên gia kiên trì đề nghị cần dỡ bỏ room tín dụng. Đâu là lập luận của ông?
Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ hạn mức tín dụng năm 2011, khi Chính phủ nhiệm kỳ đó ban hành nghị quyết 11 để kiềm chế lạm phát. Trong giai đoạn 2007-2011, tín dụng tăng trưởng bình quân trên 33%/năm, đỉnh cao là 53% năm 2007, gây bùng lạm phát trên 19% vào năm 2011.
Đến nay, sau hơn một thập kỷ, Việt Nam đã liên tục kiểm soát tốt lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong các năm 2020, 2021 chịu tác động của Covid-19, tăng trưởng kinh tế chỉ trên 2%, sản xuất kinh doanh gần như ngưng trệ nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng trên 12% mà lạm phát không xảy ra. Tám tháng đầu năm nay lạm phát cũng không xảy ra, hay nói cách khác, sức ép từ chính sách tiền tệ đến lạm phát không quá lớn.
Hơn 10 năm trước, hạn mức tín dụng được sử dụng vì tăng trưởng nóng, dẫn đến lạm phát cao. Bây giờ chúng ta không có bong bóng bất động sản, chứng khoán. Trong khi đó, nhu cầu vốn đang rất cần cho DN, người dân và nền kinh tế để phục hồi thì hạn mức tín dụng được kiểm soát quá chặt chẽ, đạp phanh vào nỗ lực phục hồi kinh tế. Vì thế, theo tôi, cần gỡ bỏ room tín dụng.
Đâu là cơ sở gỡ bỏ room tín dụng, nhất là khi cơ quan quản lý luôn tỏ ra lo ngại rằng các ngân hàng thương mại sẽ lờ tịt đi các tiêu chuẩn an toàn vốn?
Quyết định 986/QĐ-TTg của Thủ tướng đã yêu cầu gỡ bỏ room tín dụng để sử dụng các công cụ thị trường hơn để thực hiện chiến lược phát triển một ngân hàng trung ương hiện đại.
Hơn nữa, trong nhiều năm qua, NHNN đã áp lộ trình áp dụng Basel 2 cho các ngân hàng, đến nay gần 20 ngân hàng thương mại đạt chuẩn này. Các ngân hàng này đã kiểm soát tỷ lệ cho vay trên nguồn vốn huy động của thị trường 1, có nghĩa là họ chỉ cho vay 80% nguồn vốn huy động từ DN và của các cá nhân.
Đây là một xà chặn về tăng trưởng tín dụng quá mức nếu ngân hàng thương mại không huy động được vốn từ nền kinh tế. Ở đầu còn lại, NHNN không bơm thêm tiền cho kênh tín dụng, đương nhiên cung tiền không quá lớn để phải lo ngại lạm phát.
Cũng theo chuẩn Basel 2 tại thông tư 41/TT-NHNN, tổ chức tín dụng phải duy trì hệ số an toàn vốn CAR để kiểm soát những lĩnh vực rủi ro cao khi cho vay bằng hệ số quy đổi rủi ro. Ví dụ, với lĩnh vực bất động sản, hệ số này được NHNN áp lên 200%.
Điều này có nghĩa, khi các ngân hàng thương mại muốn cho vay nhiều vào lĩnh vực rủi ro cao buộc họ phải tăng vốn tự có để đạt hệ số CAR. Như vậy, để tăng tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cao, họ phải tăng vốn tự có mới đạt CAR chuẩn, nếu không sẽ bị xử phạt. Điểm này cho thấy, sử dụng công cụ hạn mức tín dụng không còn có ý nghĩa.
Ngoài ra, còn lý do nào khác không, thưa ông?
Hiện nay, còn nhiều công cụ khác để thay thế công cụ hạn mức tín dụng để kiểm soát mức cung tín dụng cho nền kinh tế trong khi thể hiện định hướng điều hành theo hướng thị trường hơn.
NHNN hoàn toàn có thể sử dụng công cụ gián tiếp là tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bằng cách tăng tỷ lệ này lên 5%, thậm chí 10% nếu thấy nguy cơ ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng quá mức làm tăng sốc về M2.
Khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có nghĩa nhốt tiền ở tài khoản của các tổ chức tín dụng tại NHNN, làm các ngân hàng giảm đi đáng kể nguồn vốn để gia tăng tín dụng ra nền kinh tế, giảm hệ số nhân tiền.
Bên cạnh đó, qua công cụ nghiệp vụ thị trường mở (OMO) mua bán giấy tờ có giá hằng ngày, NHNN có thể đưa ra loại tín phiếu bắt buộc các ngân hàng thương mại phải mua theo kỳ hạn, có thể có mức lãi suất hỗ trợ để không bị lỗ lớn do huy động được vốn mà không được cho vay ra.
Đây là một công cụ vừa có tính thị trường, vừa hành chính, cũng rất mạnh khi muốn “nhốt tiền” huy động của ngân hàng thương mại để không thể mở rộng tín dụng.
Tạo cơ chế xin - cho
Một số ngân hàng thương mại phản ánh, duy trì hạn mức tín dụng là duy trì cơ chế xin - cho với nhiều rủi ro cho cả các nhà quản lý. Ông nhận xét gì về điều này?
Chính xác. Room tín dụng là công cụ hành chính, tạo cơ chế xin - cho, tạo môi trường bất bình đẳng cho các ngân hàng thương mại.
Nếu hạn mức tín dụng tiếp tục được duy trì thì sẽ mang lại hệ lụy gì, thưa ông?
Từ mặt thực tiễn và pháp lý, việc sử dụng công cụ hạn mức tín dụng sẽ tạo ra các rủi ro lớn.
Vốn cho nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh đang rất lớn, nhiều khách hàng đang bị ngưng trệ, giảm khả năng phục hồi quy mô sản xuất kinh doanh do ngân hàng thương mại là hết room tín dụng. Hàng loạt người mua nhà đang bị chủ đầu tư phạt vì chậm nộp tiền cũng vì ngân hàng nói hết room tín dụng.
Về mặt pháp lý, nếu đã có các công cụ khác gián tiếp để kiểm soát mức cung tín dụng ra nền kinh tế tốt hơn, nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải tiếp tục can thiệp bằng công cụ hành chính mạnh mẽ vào công việc kinh doanh của các tổ chức tín dụng cũng là một DN kinh doanh trong nền kinh tế là không bình đẳng với DN khác và không phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Các hệ lụy về vi phạm hợp đồng cấp tín dụng của chính các tổ chức tín dụng với khách hàng đang diễn ra, cho dù có thể có điều khoản trường hợp bất khả kháng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các quyết định buộc 2 bên phải thực hiện, thì ở đây quyết định sử dụng hạn mức tín dụng chỉ là áp cho ngân hàng chứ không thể áp cho khách hàng. Khách hàng và các tổ chức tín dụng là bình đẳng với nhau trong giao kết hợp đồng và tình huống thị trường không quá đặc biệt như thời kỳ 2011-2012, rất có thể xảy nhiều tranh chấp pháp lý.
Từ thực tiễn này, cộng với việc lạm phát ở Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy chứ không phải từ chính sách tiền tệ, tôi cho rằng đã đến lúc từ bỏ sử dụng công cụ hạn mức tín dụng. Cùng với việc sử dụng các công cụ thị trường hơn, việc gỡ bỏ này giúp thực hiện chiến lược để NHNN trở nên hiện đại như đã được nêu trong các quyết định của Thủ tướng.