UBND TP Hà Nội vừa ban hành các quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, tỷ lệ 1/500 tại hai lô đất có ký hiệu D1-CC1 và D1-CC3 (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm).
Theo điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP phê duyệt từ năm 2013, hai lô đất D1-CC1 và D1-CC3 được xác định chức năng đất công trình công cộng TP và khu vực.
Mục tiêu xây dựng công trình trung tâm thương mại, văn hóa tổng hợp; với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc như sau: Diện tích mỗi ô đất khoảng 12.533m2; diện tích xây dựng mỗi ô khoảng 5.013m2; mật độ xây dựng khoảng 40%; hệ số sử dụng đất khoảng 4,8 lần; tổng diện tích sàn xây dựng phần nổi mỗi ô khoảng 60.158m2; tầng cao công trình từ 4 - 23 tầng.
Nay, trên cơ sở giữ nguyên vị trí, phạm vi ranh giới, không làm thay đổi chức năng sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (diện tích ô đất, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, số tầng cao, chiều cao công trình...) đã được xác định trong Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây được duyệt và các quyết định về chuyển nhượng dự án và đất đai đã được TP chấp thuận.
Đồng thời, đề xuất xác định rõ chỉ tiêu tổng diện tích sàn xây dựng trong công trình để phù hợp với quy định của Quy chuẩn quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD.
Điều chỉnh bố cục lại mặt bằng tổng thể các công trình trên các lô đất D1-CC1 và D1-CC3 theo phong cách vuông vắn, đơn giản, hiện đại, đảm bảo công năng sử dụng độc lập phù hợp với nhu cầu khai thác, vận hành dự án; giữ nguyên số tầng cao công trình khối đế (4 tầng), tầng cao khối tháp (23 tầng).
Về tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị, UBND TP cho biết, vị trí hai lô đất tiếp giáp với các tuyến đường có mặt cắt ngang 15m và 40m.
“Do vậy, giải pháp thiết kế kiến trúc công trình tại hai lô đất trên cần được nghiên cứu kỹ, để tạo được công trình có hình thức kiến trúc đẹp, hài hoà với không gian cảnh quan chung của khu đô thị và cần thực hiện tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình theo quy định của Luật Kiến trúc” - quyết định của UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Được biết, dự án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây (có tên thương mại là Starlake Tây Hồ Tây) được thực hiện trên địa giới hành chính của các phường Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), Xuân Tảo và Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm), Hà Nội.
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương 1.322 tỷ USD, trong đó vốn góp thực hiện dự án là 4.565,6 tỷ đồng, tương đương 198,3 triệu USD, còn lại là vốn huy động.
Diện tích đất do Công ty TNHH Phát triển THT (Công ty THT) thực hiện đầu tư xây dựng khoảng 161,19ha, quy mô dân số 24.300 người.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, năm 2019, UBND TP Hà Nội đã cho phép Công ty THT chuyển nhượng dự án tại hai lô đất D1-CC1 và D1-CC3.
Không chỉ chuyển nhượng lô đất trên, tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Công ty THT đã chuyển nhượng gần 20 lô đất cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Cụ thể: Lô A1-TT1, H4-HH1, H3-TH1, H3-TH2, H3-NT1, H2-CC1. H2-CC2, H5-CC1, B1-CC3, B2-CC1, B2-CC2, B3-CC1, B3-CC2, C1-CC1, B2-CC4, B1-CC1-2, B2-CC3.
Cách đây vài tháng, Hà Nội chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Hà Nội – CMC Creative Space Hanoi tại ô đất B2-CC3 thuộc dự án khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây.
Theo quyết định, chủ đầu tư của dự án sẽ chuyển từ Công ty THT sang Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC.
Dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC Creative Space Hanoi được chuyển nhượng có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.789 tỷ đồng. Quy mô diện tích dự án là 1,13ha, tầng cao 23 tầng.
Liên quan đến ô đất B3-CC2, cuối tháng 12/2020, Công ty THT và Công ty CP Taseco Invest tổ chức lễ ký kết chuyển nhượng dự án thành phần có tên thương mại là Tổ hợp khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp – Landmark 55 tại khu đô thị Tây Hồ Tây với tổng diện tích 23.600m2.
Theo giới thiệu, đây là toà nhà cao tầng thứ ba của Hà Nội chỉ sau Keangnam Landmark Tower 72 tầng và Lotte Center Hà Nội 65 tầng.
Bộ Xây dựng chọn 5 ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia mới tại khu vực Tây Hồ Tây (Hà Nội) để trình Chính phủ quyết định.