Năm nay, cuộc tranh luận về trường chuyên trở nên nóng hơn bao giờ hết khi Bộ Giáo dục và Đào tạo “tuýt còi” hệ chuyên THCS và hệ không chuyên trong trường chuyên THPT vì không đúng luật.
Nhằm cung cấp thêm một góc nhìn, xin chia sẻ quan điểm ủng hộ trường chuyên và không có ý phê phán hay tung hô quan điểm nào.
Nơi “dạy thật, học thật, thi thật” được đề cao
Dù quan điểm nào, ưa hay không ưa trường chuyên, thì cũng rất khó phủ nhận trường chuyên là nơi tinh thần “Dạy thật, học thật, thi thật” được đề cao. Đây là thực chứng chứ không phải là khẩu hiệu.
“Thi thật” ngay từ đầu vào rất nghiêm ngặt, cạnh tranh sòng phẳng. Cơ hội dành cho tất cả nhưng chỉ những học sinh xuất sắc nhất được lựa chọn, được tạo điều kiện tốt nhất để phát huy hết tài năng.
Dù có là “con ông, cháu cha” cũng phải đạt điểm xuất sắc mới được lựa chọn. Có người nói rằng, “con ông cháu cha” có thể đi theo con đường chuyển ngang, nhưng chuyện này là không phải là phổ biến, và những trường hợp đó cũng phải đạt một trình tương đối thì mới trụ được ở trường chuyên.
Việc dạy và học ở trường chuyên đích thực là “Dạy thật, học thật” trong môi trường động lực, cộng hưởng, trò ham học, thầy mê dạy. Học sinh thông minh, khao khát được mở rộng và nâng cao kiến thức, luôn muốn tìm tòi, khám phá cái mới, hoàn thiện bản thân. Thầy cô không chỉ giỏi về chuyên môn, kiến thức uyên bác mà còn về khả năng sư phạm, truyền cảm hứng, nuôi dưỡng những ước mơ và hoài bão lớn...
Sứ mệnh cao cả, trọng trách nặng nề
Thành lập và phát triển hệ thống trường chuyên không chỉ là quyết sách vô cùng đúng đắn, sáng suốt thể hiện tầm nhìn chiến lược mà đó còn là minh chứng sinh động về quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta.
Hệ thống trường chuyên đã và cần tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ để hoàn thành tốt các sứ mệnh và trọng trách trong phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tạo nguồn để bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, là hình mẫu điển hình, động lực để kéo các trường phổ thông khác nâng cao chất lượng, nâng tầm nền giáo dục.
Thực tế cho thấy, trường chuyên là điểm sáng nhất, nổi bật nhất trong bức tranh giáo dục phổ thông Việt Nam trong vài chục năm trở lại đây. Bề dày thành tích của các trường chuyên điển hình như chuyên khoa học tự nhiên, chuyên sư phạm cùng trường chuyên của một số tỉnh, thành trong các kỳ thi quốc tế, sự thành công của các thế hệ học sinh trường chuyên trong hơn nửa thế kỷ qua, với những nhà khoa học, những chuyên gia hàng đầu tầm thế giới như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn, Nguyễn Đình Đức, Hồ Đắc Phương,... là những minh chứng rất thuyết phục và rõ ràng.
Giờ đây, trong bối cảnh phát triển mới, sứ mệnh và trọng trách của hệ thống trường chuyên lại càng lớn hơn, nhất là, trong gỡ nút thắt cổ chai về nguồn nhân lực trình độ cao thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững, trong tiên phong quốc tế hóa để bắt kịp thế giới phát triển,...
Quốc tế hóa mạnh mẽ để bắt kịp thế giới phát triển
Cần quốc tế hóa mạnh mẽ trường chuyên để bắt kịp thế giới phát triển. Trước hết, xây dựng chương trình dạy và học theo thông lệ và chuẩn quốc tế, theo các tiêu chuẩn đánh giá giáo dục quốc tế, tăng cường sử dụng công nghệ giáo dục, xúc tiến việc dạy và học bằng tiếng Anh, ban đầu ở một số môn xác định, tiến tới giảng dạy và học tập toàn bộ bằng tiếng Anh.
Để học sinh có thể học được bằng tiếng Anh các trường chuyên nên lấy môn tiếng Anh là môn thi điều kiện, ai có điểm IELTS từ 6.0 trở lên được miễn thi. Đối với giáo viên, giảng dạy bằng tiếng Anh được tính hệ số gấp 2 lần so với dạy bằng tiếng Việt. Như vậy, chỉ sau một thời gian là có thể dạy và học bằng tiếng Anh. Trên nền tảng đó, tiến hành quốc tế hóa sâu rộng hơn với các hoạt động khác như trao đổi giáo viên, trao đổi học sinh với các trường chuyên danh tiếng trên thế giới.
Các em học sinh cần được trang bị những kỹ năng thiết yếu, tạo nền tảng vững chắc sẵn sàng cho việc đào tạo ở các bậc tiếp theo... Cần được tiếp xúc và làm quen với các trang thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến, làm quen dần với việc nghiên cứu và thực hiện dự án. Hướng dẫn các em về các kỹ năng nghiên cứu như: đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, nguồn thông tin, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, trình bày các phát hiện của nghiên cứu...
Cùng với đó, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng để các em thấm nhuần tinh thần phụng sự đất nước, phụng sự xã hội, khắc sâu lòng trung thành với đất nước, có nhận thức sâu sắc rằng người có tài năng vượt trội được đất nước đầu tư nhiều nhất càng phải có bổn phận đặc biệt đối với đất nước, xã hội. Từ đó, các em không kiêu căng, tự phụ, tự ý thức về bổn phận không chỉ nỗ lực phát triển bản thân mà còn phải có bổn phận nâng cao năng lực cho những người khác.
“Người thầy” là “chìa khoá” thành công. Bởi vậy, “người thầy” trong hệ thống trường chuyên cần hướng tới sở hữu các phẩm chất then chốt để tiên phong trong thời đại 4.0: “Bậc thầy” về lĩnh vực chuyên môn; Có khả năng liên tục sáng tạo kiến thức chứ không chỉ hấp thu kiến thức; Có khả năng đề xuất phương pháp học tập hiệu quả chứ không chỉ truyền đạt những thứ đã học; Có khả năng kiến tạo môi trường học tập cho học sinh chứ không chỉ thực thi yêu cầu từ người khác; Có khả năng kiến tạo nên các thế hệ học sinh phát triển cá tính riêng chứ không chỉ là thành viên trong lớp; Có khả năng dẫn dắt sự đổi mới giáo dục chứ không chỉ chạy theo sự đổi mới.
Kì tới: Cần lắm sự chung tay phát triển trường chuyên
Phạm Mạnh Hùng