Báo cáo “Đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024” do Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Do Ventures thực hiện cho thấy, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được tổng vốn đầu tư 529 triệu USD năm 2023, giảm 17% so với năm trước. 

Đáng chú ý khi các startup thuộc lĩnh vực công nghệ giáo dục (EdTech) đã nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhận định về thị trường, bà Nguyễn Hồng Hạnh, nhà sáng lập, kiêm CEO EdTech Agency cho rằng, EdTech đã có sự bùng nổ trong giai đoạn đại dịch và tiếp tục là lĩnh vực hứa hẹn thu hút làn sóng đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường sôi động và ngày một cạnh tranh, sách trắng EdTech Việt Nam 2023 đưa ra khuyến nghị, các startup EdTech Việt nên chú trọng hơn vào phân khúc dành cho người đi làm để phát triển các nội dung, chương trình đào tạo kỹ năng số.

W-do-ngoc-lam-vuihoc.jpg
Ông Đỗ Ngọc Lâm, nhà sáng lập startup Vuihoc. Ảnh: Trọng Đạt

Trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Ngọc Lâm, nhà sáng lập kiêm CEO startup Vuihoc cho hay, nếu so với tất cả các lĩnh vực khác nói chung và EdTech toàn cầu nói riêng, EdTech Việt Nam hiện là một điểm sáng. 

Nhìn về thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, đây là khoảng thời gian các startup EdTech Việt Nam không thu hút được quá nhiều vốn đầu tư. Lúc này, dòng vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào các thị trường phát triển sớm hơn Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia. 

Thế nhưng, lúc dịch Covid-19 kết thúc, so với thị trường Ấn Độ, Indonesia, các startup EdTech Việt Nam lại chứng tỏ được sự bền bỉ khi tiếp tục phát triển, mặc dù việc học trực tiếp đã quay trở lại. Đây là một điểm cộng lớn trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu. Từ lý do đó, dòng vốn bắt đầu chảy vào các startup EdTech Việt Nam. 

Lý giải cho điều này, nhà sáng lập Vuihoc cho biết, khi nhìn vào bối cảnh Việt Nam, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia có chung nhận định, Việt Nam hiện là môi trường phù hợp để các startup EdTech phát triển.

Đầu tiên, phụ huynh Việt Nam rất quan tâm đến việc giáo dục con cái. Với niềm tin rằng đầu tư cho con cái là sự đầu tư tốt nhất cho tương lai của trẻ. Yếu tố thứ 2 là nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh với tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng. 

Khi đó, nhu cầu về giáo dục sẽ càng ngày càng gia tăng. Phụ huynh Việt Nam cũng rất cởi mở về công nghệ. Đây là cơ hội cho các ứng dụng công nghệ hỗ trợ giáo dục ngày càng có tiềm năng phát triển. 

W-startup-edtech-chuyen-doi-so-giao-duc-1-1.jpg
Một học sinh đang học trên nền tảng lớp học ứng dụng AI. Ảnh: Trọng Đạt

Về việc phải cạnh tranh với các đối thủ ngoại. theo phân tích của ông Lâm, lĩnh vực giáo dục luôn có sự bản địa hóa sâu sắc, đòi hỏi mỗi EdTech sẽ phải thực sự hiểu về văn hóa, tập quán học tập, cách thi cử và nhu cầu của từng địa phương. Đây là điều không dễ để các EdTech ngoại có thể tham gia vào thị trường Việt Nam. 

EdTech nước ngoài thường được nhận định có lợi thế hơn về nguồn vốn, công nghệ. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ mới đang ngày càng dễ dàng hơn, đặc biệt khi có sự ra đời của các nền tảng như ChatGPT.

EdTech Việt Nam sẽ có lợi thế hơn đối thủ ngoại nhờ hiểu được văn hóa, cách thức vận hành của hệ thống giáo dục Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt để EdTech Việt có thể chiếm lĩnh được thị trường”, ông Đỗ Ngọc Lâm nói. 

Bình luận về xu hướng ứng dụng AI vào trong các sản phẩm giáo dục, nhà sáng lập Vuihoc cho rằng, việc ứng dụng AI trong mọi ngành, không chỉ ở mảng giáo dục, là xu hướng không thể đảo ngược. Đây cũng là lý do startup này vừa triển khai VUIHOC Station - trung tâm ứng dụng AI trong giáo dục, với sự tham gia của đối tác CREVERSE cùng chương trình toán tư duy Hàn Quốc dành cho trẻ từ 4-11 tuổi.

Sau vòng gọi vốn 6 triệu USD, một trong những trọng tâm của Vuihoc là đầu tư cho công nghệ, đặc biệt là AI. Điều quan trọng là chúng ta có lượng data đủ lớn, đủ chi tiết và đủ “sạch” để đào tạo ra các model AI nhằm ứng dụng trong sản phẩm”, ông Lâm nói.

Startup này cho biết sẽ ứng dụng AI vào việc nhận diện giọng nói, đưa ra nhận xét cho học sinh theo thời gian thực. Khi học sinh bật camera trong quá trình học, từ việc phân tích khuôn mặt, hệ thống cũng có thể nhận định được các em có tập trung vào bài giảng hay không và đưa ra những nhắc nhở phù hợp cho học sinh. 

Việc thu thập dữ liệu của học sinh trong quá trình học có thể giúp nhà phát triển ứng dụng cá nhân hóa lộ trình học cho từng học sinh, đồng thời đưa ra báo cáo kết quả học tập cho phụ huynh theo thời gian thực. Do đó, có thể thấy rõ hiệu quả của các tính năng AI khi giúp học sinh trở nên hào hứng hơn, từ đó giúp hiệu quả học tập tốt hơn.