Một số nhà bán lẻ trong nước đang gặp tình trạng khan hàng các dòng loa của nhiều hãng nổi tiếng như Bose, JBL, Harman Kardon, Marshall, Sony.
Mẫu loa Marshall Acton 2 hết hàng trên một kênh bán lẻ. (Ảnh: Hải Đăng) |
Ông Mai Triều Nguyên, chủ cửa hàng bán nhiều thiết bị âm thanh gia đình, cho biết một số mẫu loa của các thương hiệu nổi tiếng không có hàng bán.
Cụ thể, một số mẫu được ưa chuộng như Bose Soundlink Mini II, Bose S1 Pro; JBL Xtreme 3, JBL Charge 4, JBL GO 3, JBL Clip 4"; Harman Kardon Onyx Studio 5, Harman Kardon Go + Play, Harman Kardon Aura Studio 3 đang bị thiếu hàng.
“Vài năm nay không xảy ra tình trạng khan hiếm, năm nay chắc do Covid-19”, ông Nguyên nói với ICTnews.
Bên cạnh những mẫu nói trên, chuỗi CellphoneS cho hay đang bị thiếu loa từ một số hãng khác, như Marshall Kilburn 2, Marshall Emberton, Marshall Acton 2, Marshall Stockwell 2; Sony XB43. Tất cả đều là sản phẩm được mua nhiều.
“Hiện tại kho của các nhà phân phối lớn về loa đều trong tình trạng hết hàng hoặc về hàng rất ít. Hàng về là chia hết sạch”, ông Nguyễn Huy - đại diện chuỗi CellphoneS thông tin.
Việc khan hiếm hàng hoá khiến các nhà bán lẻ bị hụt nguồn cung một số mặt hàng chủ lực. Bên cạnh đó, các hãng phải lùi kế hoạch ra mắt và bán sản phẩm mới.
“Các hãng chưa có động thái tăng giá trên giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, hàng tồn ít nên không có nhu cầu khuyến mại để đẩy hàng. Không mạnh tay triển khai các chương trình khuyến mại như mọi năm cũng là một hình thức tăng giá rồi”, đại diện CellphoneS lý giải.
Không riêng sản phẩm loa, một số mẫu tai nghe như Airpods Max hay các dòng tai nghe Beats đều gặp tình trạng cung không đủ cầu trong mấy tháng qua.
Thiếu hụt chip trên toàn cầu
Tờ New York Times lý giải việc khan hàng ở một số ngành như điện thoại, máy tính, âm thanh, TV, thiết bị IoT,... là do thiếu hụt nguồn cung bộ vi xử lý. Việc thiếu hụt này do Covid-19, và một phần do hạn hán ở Đài Loan.
Do đại dịch, năm ngoái nhiều nhà máy ngưng một phần hoặc dừng toàn bộ việc sản xuất, dẫn đến thiếu hụt linh kiện ở mọi ngành công nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà máy đã quay lại hoạt động bình thường nhưng vẫn chưa giải quyết hết các đơn hàng còn tồn đọng.
Song song đó, Covid-19 khiến nhiều người làm việc tại nhà hơn, nhu cầu mua thiết bị giải trí và làm việc tăng lên. Tại Mỹ, thống kê của NPD Group cho thấy sức mua mặt hàng công nghệ tiêu dùng năm 2020 tăng 17% so với năm trước. Điều này khiến hàng hoá sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu.
Chưa hết, dịch bệnh làm cho khâu vận chuyển chậm lại, càng gia tăng thời gian sản phẩm đến tay người dùng cuối.
Để đối phó tình trạng này, mỗi nhà sản xuất lại có cách giải quyết khác nhau. Một số trì hoãn tung ra sản phẩm mới. Số khác tập trung sản xuất sản phẩm cao cấp, mang lại lợi nhuận cao, hoặc sản phẩm được mua nhiều và giảm sản lượng các sản phẩm cũ hay nhu cầu thấp. Nhiều công ty lại chọn không khuyến mại, không giảm giá, nhằm làm giảm sức mua.
Tại Việt Nam đã xảy ra tình trạng thiếu hàng một số sản phẩm được chờ đón như PlayStation 5, Airpods Max, khiến giá bán ở thị trường xách tay có lúc tăng hơn so với giá chính thức. Trong thời gian tới, một số nhà bán lẻ dự báo giá bán TV, màn hình, điện thoại có thể sẽ tăng.
Hải Đăng
Tai nghe đắt nhất của Apple khan hàng tại Việt Nam
Chiếc Airpods Max gặp tình trạng thiếu hàng kể từ khi ra mắt, đến nay vẫn có hàng rất nhỏ giọt.