Một bệnh nhân người Trung Quốc chia sẻ: “Công ty tôi tổ chức khám sức khỏe hằng năm. Chỉ số huyết áp và máu của tôi luôn ở mức bình thường. Nhưng tại sao, ít lâu sau, tôi nhận chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối?”.
Trong suy nghĩ của nhiều người, khám sức khỏe định kỳ có thể tìm ra tất cả bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, kể cả ung thư. Nhưng trên thực tế, loại hình khám này khác với tầm soát ung thư.
Theo Aboluowang, khám sức khỏe tổng quát là những hạng mục tầm soát thông thường. Đó là khám lâm sàng (mắt, tai mũi họng, răng, da liễu…), kiểm tra máu và nước tiểu thường quy, chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang tim phổi, siêu âm ổ bụng, tuyến giáp...).
Trọng tâm kiểm tra chủ yếu là thể chất. Những cuộc kiểm tra này có thể phát hiện ra một số vấn đề như bệnh gan và thận mạn tính, cao huyết áp… thậm chí một số loại ung thư như bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, bạch cầu cấp tính, ung thư vú hoặc tuyến giáp.
Tuy nhiên, ung thư liên quan tới nhiều cơ quan nội tạng khác không thể phát hiện qua khám tổng quát.
Ví dụ, với ung thư phổi có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng, một khối u nhỏ đã hình thành, rất khó để tìm ra vấn đề thông qua chụp X-quang phổi thông thường.
Bởi vậy, mọi người phải tiến hành tầm soát có mục tiêu theo độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình và tiền sử bệnh tật của bản thân người khám.
Ung thư phổi
Nhiều nhóm nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi, bao gồm hút thuốc lâu năm, hút thuốc thụ động, làm công việc tiếp xúc thường xuyên với chất độc hại (thợ mỏ, nhà khoa học tiếp xúc với bức xạ, đầu bếp, công nhân nhà máy).
Nhóm người này nên tiến hành tầm soát ung thư phổi thường xuyên. Hiện nay, phương pháp sàng lọc thường được sử dụng trong thực hành lâm sàng chủ yếu là chụp cắt lớp, đặc biệt là chụp cắt lớp liều thấp.
Ung thư đường tiêu hóa
Ung thư đường tiêu hóa khác không thể phát hiện bằng chụp cắt lớp, siêu âm. Phương pháp tầm soát ung thư đường tiêu hóa là nội soi đại tràng, dạ dày giúp bác sĩ xác định tình hình sức khỏe của bộ máy tiêu hóa, khi phát hiện thấy bất thường có thể lấy mô để sinh thiết.
Theo số liệu lâm sàng hiện nay, nhóm nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa là những người trên 45 tuổi mắc các bệnh mạn tính về đường tiêu hóa (loét dạ dày, viêm teo dạ dày, viêm loét ruột, polyp), có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày.