Theo tạp chí The National Interest của Mỹ, tiêm kích MiG-31 của Nga mà NATO gọi là Foxhound, được trang bị hệ thống radar và tên lửa tiên tiến, đã chứng minh mức độ hiệu quả cao khi thực hiện các sứ mệnh tuần tra trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Theo truyền thông Ukraine, mỗi khi MiG-31 cất cánh, cảnh báo không kích lại vang lên khắp lãnh thổ Ukraine, gây ra sự gián đoạn đáng kể cho nền kinh tế. Theo họ, Nga đã buộc Ukraine phải tạm dừng phần lớn các hoạt động kinh tế bằng cách điều động MiG-31, và để tiêm kích bay vòng quanh một lúc.
Hôm 18/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo các tiêm kích MiG-31 được trang bị tên lửa đạn đạo siêu vượt âm phóng từ trên không Kinzhal sẽ thực hiện tuần tra ở Biển Đen.
Ngay sau đó, phát ngôn viên Không quân Ukraine Yury Ignat cho biết khi mỗi khi tiêm kích MiG-31 cất cánh và mang theo tên lửa Kinzhal, cảnh báo không kích trên toàn lãnh thổ Ukraine sẽ được kích hoạt. Bởi theo ông, hệ thống tên lửa Kinzhal của Nga có thể tấn công Ukraine từ hướng bắc và hướng đông, cũng như trên Biển Đen.
Tại sao MiG-31 của Nga lại khiến quân đội Ukraine hoảng loạn như vậy? Mấu chốt là tiêm kích MiG-31 đóng vai trò quan trọng giúp tên lửa Kinzhal đạt được tốc độ siêu vượt âm. Tên lửa được phóng từ độ cao khoảng 20km với tốc độ ít nhất là 1.500 km/h. Với tốc độ tối đa nhanh gấp 8 - 10 lần tốc độ âm thanh, độ sát thương của tên lửa Kinzhal là rất lớn, và gần như không thể bị đánh chặn. Phạm vi hoạt động của tên lửa Kinzhal là khoảng 1.500 - 2.000km.
Theo National Interest, năng lực của MiG-31 hiện vẫn là “điều bí ẩn” đối với phương Tây. Truyền thông phương Tây cho rằng, MiG-31 có thể hoạt động "trong mọi điều kiện thời tiết" nhờ được trang bị hệ thống điện tử kỹ thuật số hiện đại và động cơ phản lực cánh quạt "cho phép tăng phạm vi chiến đấu". Ngoài ra, tốc độ tối đa 3.000 km/h khiến MiG-31 trở thành một trong những máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới.
Khả năng hoạt động ở độ cao lớn của MiG-31 cũng đã được chứng minh trong cuộc tập trận mà Nga tiến hành vào tháng 10. Theo đó, MiG-31 đã hoạt động ở tầng bình lưu trên biển Barents.
“Phi hành đoàn lái tiêm kích MiG-31 thuộc Hạm đội phương Bắc đã thực hành các yếu tố của một cuộc không chiến ở tầng bình lưu”, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh thêm, MiG-31 đã bay lên độ cao ấn tượng hơn 11.000m để đánh chặn và vô hiệu hóa mục tiêu mô phỏng.
Vào cuối tháng 11, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã cho công bố đoạn video phi hành đoàn điều khiển tiêm kích MiG-31 thực hiện sứ mệnh tuần tra trên không theo hướng Kherson, miền nam Ukraine.