Các vũ khí chống tăng di động đã chứng tỏ hiệu quả cao trong tay người Ukraine. Kể từ khi xung đột bùng phát cách đây 6 tháng, Ukraine đã sử dụng chúng để phá hủy rất nhiều xe bọc thép của đối phương, giúp ngăn chặn bước tiến của Nga vào Kiev.
Ít nhất 10 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Anh và Đức, đang cung cấp các vũ khí chống tăng di động cho Ukraine. Gói hỗ trợ mới nhất của Mỹ, được công bố hôm 8/8 bao gồm cả các bệ phóng Javelin tân tiến nhất và AT4, một mẫu đơn giản hơn. Một lần bắn từ Javelin có chi phí gấp khoảng 100 lần so với một lần bắn từ AT4.
Khi các nước phương Tây cạn kiệt kho dự trữ vũ khí công nghệ cao nhất, họ có thể lựa chọn chuyển giao những mẫu vũ khí kém hiệu quả hơn nhưng rẻ hơn. Điều đó tác động như thế nào đến chiến sự Nga - Ukraine?
Theo tạp chí The Economist, các vũ khí chống tăng ngày nay là sự kế thừa của Bazooka, một hệ thống phóng tên lửa cầm tay của Mỹ, được giới thiệu lần đầu tiên trong Thế chiến thứ hai. Bazooka hiệu quả trong việc chống xe bọc thép đến mức các loại xe tăng hạng nhẹ thời đó đều bị vô hiệu hóa.
Các bệ phóng hiện đại thậm chí còn đáng sợ hơn. Javelin, loại sở hữu tính năng công nghệ tiên tiến nhất, được trang bị bộ phận tìm kiếm bằng tia hồng ngoại, có thể khóa và bám đuổi mục tiêu di động cách xa 2,5km. Binh lính có thể "bắn và quên", đồng nghĩa họ có thể nhanh chóng đi ẩn nấp sau khi khai hỏa. Đầu đạn nặng 8,4kg lao vào mục tiêu, cho phép nó xuyên thủng lớp vỏ bọc thép dày.
Một tên lửa Javelin có giá 198.000 USD, ngang với giá của một chiếc xe Ferrari tại Mỹ. Các nhà sản xuất nói, điều này phản ánh chi phí cao của các thiết bị điện tử phức tạp. Trong khi, những người chỉ trích cho rằng Javelin có thiết kế quá đắt đỏ.
Các mẫu rẻ hơn vẫn có thể gây tổn hại lớn với chi phí thấp hơn. Ví dụ, vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo của Anh (NLAW) tiêu tốn khoảng 33.000 USD cho mỗi lần bắn.
NLAW được trang bị tầm ngắm bằng kính thiên văn cùng với khả năng nhìn ban đêm và có thể bắn trúng các mục tiêu đang di động. So với Javelin, NLAW dễ dàng di chuyển và bắn từ không gian hạn chế hơn. Song, nó không được dẫn đường sau khi bắn và tầm bắn chỉ dưới 1km. Dẫu vậy, NLAW đã phá hủy một loạt xe bọc thép của Nga, bao gồm cả một số loại xe tăng tốt nhất.
Những vũ khí chống tăng rẻ nhất không thể sáng bằng Javelin, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trên chiến trường. Mẫu AT4 do Thụy Điển thiết kế có chi phí khoảng 2.000 USD mỗi lần bắn. Tầm bắn hiệu quả của vũ khí này là 300m, ít khả năng bắn trúng mục tiêu đang di động ở xa. AT4 không thể xuyên thủng lớp vỏ thép trước của xe tăng hiện đại, nhưng có thể dễ dàng phá hủy các phương tiện bọc thép khác, chẳng hạn như xe chở quân và pháo tự hành.
Mẫu RPG-7 do Liên Xô thiết kế có giá chỉ vài trăm USD và có tầm bắn tương tự. Một số mẫu sao chép thiết kế do Mỹ sản xuất đang được sử dụng ở Ukraine.
Khi chiến sự tiếp diễn, các đồng minh của Ukraine có thể gặp khó khăn trong việc viện trợ các vũ khí chống tăng tiến tiến, chẳng hạn như Javelin, ở tốc độ hiện tại. Tính đến giữa tháng 8, Mỹ có lẽ đã gửi cho Kiev khoảng 8.500 hệ thống Javelin, trong khi nước này thường chỉ mua sắm tối đa khoảng 800 chiếc mỗi năm.
Washington không tiết lộ kho dự trữ của họ, nhưng phân tích của The Economist chỉ ra rằng, quân đội Mỹ đã mua tổng cộng khoảng 34.500 hệ thống Javelin trong những năm qua. Sản xuất không thể tăng nhanh và hiện cũng tồn tại sự cạnh tranh tiếp cận nguồn cung hạn chế khi các nước châu Âu khác đang tìm cách tăng kho vũ khí của họ.
Điều đó có nghĩa, AT4 và các loại vũ khí chống tăng đơn giản khác có thể phải lấp đầy lỗ hổng ngày càng lớn ở Ukraine.
Theo các chuyên gia, mặc dù vũ khí chống tăng đã đóng một vai trò quyết định trong việc phòng thủ của Ukraine, nhưng chúng ít hữu ích hơn trong việc tấn công. Nếu các lực lượng Kiev hy vọng giành lại các vùng lãnh thổ đã mất kiểm soát, họ sẽ cần thêm pháo tầm xa để dọn đường cho binh sĩ.
Tuấn Anh