Chỉ cần khán giả chần chừ suy nghĩ vài phút, vé các show diễn có thể đã bán hết. Họ buộc phải tìm đến ‘phe vé’ với mức giá cao gấp nhiều lần.
Trở lại tuần đầu tháng 7, hơn 3 tuần trước sự kiện BlackPink biểu diễn tại Việt Nam, cộng đồng fan của nhóm nhạc dậy sóng với việc “xếp hàng online” đặt vé, chỉ vào chậm vài phút đã thấy đứng sau hàng trăm nghìn người.
Trong thời gian ngắn, vé của đêm diễn hầu như được bán sạch. Các fan chậm chân buộc phải tìm đến những người chuyên săn vé để mua đi bán lại với mức giá cao hơn nhiều.
Thực tế này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Trước khi concert của Taylor Swift được tổ chức tại sân vận động SoFi ở Inglewood (California, Mỹ) vào đầu tháng 8 tới đây, vé các đêm diễn cũng trong tình trạng cháy hàng. Mức giá vé gốc từ 49 USD-449 USD đội lên tối đa 11.000 USD (hơn 260 triệu đồng) trên StubHub, một trang web dành cho những người mua đi bán lại vé.
Theo LA Times, tình trạng vé của các sự kiện âm nhạc ngày càng đắt đỏ, khó mua trực tiếp đã diễn ra phổ biến với những lý do khác nhau.
Vì sao giá vé ngày càng đắt?
Có 5 yếu tố chính ảnh hưởng đến giá vé cho buổi concert được nhiều người chờ đợi, bao gồm nghệ sĩ biểu diễn, đơn vị tổ chức sự kiện, địa điểm tổ chức, công ty bán vé và… phe vé. Mỗi mắt xích trong chuỗi này đều tác động một phần đến chi phí trước khi vé đến tay khán giả.
Đơn vị tổ chức sự kiện kết nối nghệ sĩ và địa điểm, chính thức đặt giá vé, quảng bá các buổi diễn và chịu thiệt hại nếu concert không bán đủ vé trả cho nghệ sĩ - những chi phí đó đều tính vào giá vé.
Nghệ sĩ nổi danh như Taylor Swift có thể quyết định giá vé và chọn nơi diễn. Trong khi đó, những ca sĩ ít tên tuổi hơn thường phải để công ty tổ chức sự kiện lựa chọn. Theo Bob Lefsetz, một nhà phân tích ngành âm nhạc, các nghệ sĩ cũng có quyền kiểm soát phí bán vé và cách thức mua đi bán lại nếu bên bán có thêm nền tảng đó.
Các địa điểm được trả tiền theo thỏa thuận với nhà tổ chức sự kiện. Họ có thể tính phí dịch vụ, đẩy giá vé lên cao. Ngoài ra, các địa điểm còn giữ lại một số vé ưu tiên đặc biệt dành cho chủ sở hữu hoặc khách hàng thân thiết.
Công ty bán vé bổ sung nhiều khoản, có thể biến chỗ ngồi 20 USD thành 35 USD với một số cách khác nhau, gồm phí dịch vụ, xử lý đơn hàng, giao vé, phí địa điểm.
Những show diễn toàn cầu thường bán vé thông qua Ticketmaster, một nền tảng đa quốc gia, chiếm thị phần áp đảo, có công nghệ vận hành tiên tiến nhưng đồng thời cũng tính thêm các khoản phụ thu đắt đỏ vào giá vé.
Cuối cùng, nhưng có thể là yếu tố khiến giá vé tăng gấp nhiều lần, đó là những người mua đi bán lại. StubHub và SeatGeek tạo ra thị trường phụ dành cho “phe vé” hoặc khách đã mua nhưng không xem, có nhu cầu chuyển nhượng.
Đây là nơi giá vé không có sự kiểm soát, lên xuống thất thường, có thể đẩy mức đắt nhất cho một chỗ ngồi ở đêm diễn của Taylor Swift từ 449 USD lên 11.000 USD, gấp hơn 20 lần.
Song song đó, Giáo sư Eric Budish của Đại học Chicago, một nhà kinh tế học nghiên cứu về bán vé ở Mỹ, phát hiện các nền tảng môi giới tính phí 30% đến 40% giá trị vé mua đi bán lại.
“Nếu một vé của Taylor Swift được rao bán lại 2.000 USD, trang web môi giới có thể kiếm 30% số tiền đó (600 USD). Nữ ca sĩ bán vé giá 300 USD. Vì vậy, thị trường phe vé đang kiếm được nhiều hơn Taylor Swift và cuối cùng nhà môi giới kiếm được nhiều hơn cả hai”, Budish cho biết.
Các lựa chọn bán vé trong tương lai
Theo quan điểm của Giáo sư Eric Budish, ngành công nghiệp giải trí đứng trước 3 lựa chọn trong việc phát hành vé.
Trước tiên, tiếp tục cách bán như hiện tại và mặc cho thị trường mua đi bán lại tự vận hành. Giá vé gốc do đơn vị tổ chức sự kiện đặt ra. Bất chấp nỗ lực để bán cho người hâm mộ, nhiều vé vẫn bị thu gom hết trong vài giây, sau đó bán lại trên chợ đen. Hiện nay, khán giả khó biết được bao nhiêu chỗ ngồi thực sự còn trống trong các đợt bán chính thức. Nhiều chỗ được dành sẵn cho VIP hoặc các chương trình đặc biệt khác.
Lựa chọn tiếp theo là đặt ra mức giá “bù trừ thị trường”, tức là đủ cao để giới phe vé không thể tăng thêm nhưng đủ thấp cho phù hợp với số đông khán giả.
Giá bù trừ có thể lên đến hàng nghìn USD cho những chỗ ngồi hàng đầu xem một buổi biểu diễn của nghệ sĩ tên tuổi. Song giá này phụ thuộc vào một số yếu tố như sự đồng ý của nghệ sĩ, địa điểm biểu diễn và số lượng chỗ ngồi tại sân khấu.
Ticketmaster bắt đầu thử nghiệm đặt giá bù trừ thị trường thông qua chương trình "vé bạch kim". Trong đó, họ bán riêng những vị trí được khán giả yêu thích nhất. Giá vé bạch kim được xác định bởi nhu cầu, sẽ tăng khi nguồn cung giảm xuống, "tương tự như cách bán vé máy bay và phòng khách sạn".
Lựa chọn cuối cùng là hạn chế hoặc chấm dứt bán lại vé. Bao gồm không cho phép chuyển nhượng vé, buộc bán lại bằng với giá mua ban đầu, chỉ được giao dịch trên nền tảng bán lại của đơn vị bán vé chính thức và sử dụng công nghệ nhằm xác định người hâm mộ thực sự.
The Cure đã sử dụng tất cả cách này trong tour diễn gần đây. Ca sĩ chính Robert Smith ủng hộ khán giả đến mức thuyết phục Ticketmaster hoàn lại một số khoản phí quá cao trên vé.
BlackPink trình diễn ‘Pretty Savage’ tại Coachella 2023
Vé show Born Pink tại SVĐ Mỹ Đình
Vé của 2 đêm diễn Born Pink tại Hà Nội vào 29 và 30/7 được bán trực tuyến thông qua nền tảng Ticket Box, một đơn vị phân phối vé của các chương trình, sự kiện, thể thao và phim ảnh có tiếng ở Việt Nam. Trang web của đơn vị này chính thức mở từ 12 giờ đêm ngày 7/7 nhưng liên tục gặp lỗi khiến fan rất khó truy cập. Lượng tài khoản “xếp hàng” có lúc lên đến hàng trăm nghìn. Sau đó, toàn bộ vé của show nhanh chóng hết sạch.
Tuy nhiên, rất đông khán giả hâm mộ nhóm nhạc Hàn Quốc không mua được vé chính thức từ đơn vị phân phối. Trong khi đó, trên các hội, nhóm mạng xã hội, xuất hiện nhiều bài viết rao bán lại vé xem concert BlackPink với giá cao gấp nhiều lần. Thậm chí, xuất hiện trò lừa đảo xung quanh việc mua đi bán lại này.
Nguyễn Hiếu(Theo LA Times)
Những ẩn số đằng sau cơn sốt toàn cầu của BlackPink, BTSTầm ảnh hưởng của các nhóm nhạc Hàn Quốc đã vượt ra khỏi phạm vi châu Á, đưa làn sóng K-pop lan rộng khắp thế giới, kể cả các thị trường âm nhạc hàng đầu như Mỹ, châu Âu.