Ở tuổi 34, bà Sanna Marin trở thành Thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay của Phần Lan và là nữ Thủ tướng thứ ba tại đất đất nước này.
Winston Churchill được nhận định là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ông để lại dấu ấn trong lịch sử nhờ khả năng lãnh đạo và sự cống hiến tri thức.
Ghét từng giây phút ở trường
Sinh năm 1874 tại hạt Oxfordshire, Vương quốc Anh, hành trình học tập của Churchill được đánh dấu bằng cả thử thách lẫn thành công, cuối cùng đã giúp ông trở thành một nhà hùng biện đáng gờm, nhà sử học, nhà văn học, chính khách và 2 lần giữ chức vụ Thủ tướng Anh (1940-1945), (1951-1955).
Những năm đầu học tập của Churchill gặp không ít khó khăn. Ông sinh ra trong một gia cảnh đặc biệt, có cha Lord Randolph Churchill thuộc tầng lớp quý tộc, thành viên Quốc hội Anh và mẹ Jennie là con gái của một doanh nhân giàu có người Mỹ.
Tuy vậy, Churchill vẫn gặp khó khăn trong nền giáo dục truyền thống, phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt với các môn học như tiếng Latinh và toán học.
Khi còn là học sinh, Churchill học kém hầu hết mọi môn ngoại trừ lịch sử và ngữ văn. Ông đặc biệt kém về ngoại ngữ. Trong hồi ký của mình, ông mô tả việc làm một bài kiểm tra tiếng Latinh kéo dài 2 giờ mà ông để trống hoàn toàn, chỉ viết tên và làm một số câu hỏi đầu tiên, để lại “một vết bẩn và một vài vết ố”.
Churchill “ghét từng giây phút ở trường”, theo thông tin trang National Churchill Museum. Những thất bại trong học tập của ông đã dẫn đến một loạt vụ chuyển trường. Ông bị đuổi học vào năm 1881 khi mới 7 tuổi.
"Tôi hiếm khi được học bất cứ điều gì có vẻ hữu dụng hoặc ít nhất thú vị, hoặc được phép chơi bất kỳ trò chơi nào vui thích. Nhìn lại những năm tháng đó không chỉ là những năm tháng ít dễ chịu nhất mà còn là khoảng thời gian cằn cỗi và bất hạnh duy nhất trong cuộc đời tôi", Winston viết trong nhật ký.
Thi 3 lần mới vào được trường quân sự
Con đường học thuật của Churchill đã có một bước ngoặt đáng kể khi ông quyết định thi học quân sự.
Kế hoạch theo học tại Học viện Quân sự Hoàng gia ở Sandhurst bị thất bại khi ông 2 lần trượt kỳ thi tuyển sinh. Với sự giúp đỡ của một gia sư quân sự, cuối cùng Churchill cũng vượt qua được trong lần thứ ba, nhưng chỉ vào lớp kỵ binh có tiêu chuẩn thấp hơn bộ binh, theo chuyên trang History.
Giai đoạn giáo dục quân sự này không chỉ mài giũa kỹ năng lãnh đạo và tư duy chiến lược của Churchill mà còn truyền cho ông ý thức kỷ luật và tinh thần nghĩa vụ sâu sắc.
Vượt ra ngoài giới hạn của nền giáo dục chính quy, Churchill là một người ham đọc sách và có tinh thần học hỏi tự định hướng. Sự tò mò không ngừng đã khiến ông khám phá nhiều chủ đề khác nhau, từ lịch sử, chính trị đến văn học và triết học.
Thư viện cá nhân của Churchill rất lớn và đa dạng. Ông "ngấu nghiến" sách với niềm khao khát kiến thức không giới hạn, đặt nền móng cho những thành tựu sau này của ông với tư cách là một nhà văn, nhà sử học và chính khách.
Tài năng văn chương của Churchill cũng đáng gờm như kỹ năng lãnh đạo của ông. Trong suốt cuộc đời, ông đã viết rất nhiều cuốn sách, bài báo và bài phát biểu thu hút và định hình diễn ngôn của công chúng. Bài viết của ông bao gồm nhiều chủ đề, bao gồm lịch sử quân sự, bình luận chính trị và hồi ký cá nhân.
Tài hùng biện và trí thông minh của Churchill được thể hiện đầy đủ nhất trong các bài phát biểu của ông, động viên người dân Anh trong những giờ phút đen tối của lịch sử. Là Thủ tướng Vương quốc Anh từ năm 1940 đến năm 1945, Churchill đã dẫn dắt xứ sở sương mù vượt qua những năm tháng khói lửa đầy biến động.
Ngoài những thành tựu chính trị, di sản của Churchill với tư cách là một học giả và nhà sử học cũng đáng chú ý. Tác phẩm nhiều tập của ông, "Chiến tranh thế giới thứ hai", là một bản tường thuật dựa trên kinh nghiệm trực tiếp và nghiên cứu sâu rộng của ông.
Ngoài “Chiến tranh thế giới thứ hai”, tác phẩm văn học của Churchill còn bao gồm nhiều thể loại, như tiểu sử, tiểu luận chính trị và các bài phát biểu. Đặc biệt, tài hùng biện hùng hồn của ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình dư luận và đoàn kết người dân Anh trong thời kỳ khủng hoảng.
Những đóng góp của Churchill cho văn học và khoa học lịch sử đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng. Năm 1953, giải Nobel Văn học được trao cho Churchill "vì khả năng mô tả lịch sử và tiểu sử cũng như tài hùng biện xuất sắc trong việc bảo vệ những giá trị cao quý của con người", theo thông tin trên website Nobel.
Mặc dù vậy, một số học giả cho rằng các tác phẩm lịch sử của ông thể hiện quan điểm có phần thiên vị, hạ thấp một số khía cạnh của sự kiện và phóng đại vai trò của nước Anh. Ngoài ra, sự ủng hộ của Churchill đối với chủ nghĩa đế quốc Anh và các quyết định gây tranh cãi liên quan đến các vấn đề thuộc địa cũng bị lên án.
Tử Huy