Theo điều dưỡng Đặng Thị Hạ (Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn là kỹ thuật mà cô và các đồng nghiệp thực hiện hằng ngày trong bệnh viện.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cô sử dụng kỹ thuật này để cấp cứu một trường hợp bị ngừng tim ngoại viện. Hành động của cô đã giúp nam du khách người Ấn Độ thoát khỏi nguy cơ tử vong.
Dưới đây là video ghi lại cảnh nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ cấp cứu cho du khách tại một nhà hàng ở Sơn Trà, Đà Nẵng tối 24/3.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, khi ngưng tim, người bệnh cần được sơ cứu nhanh nhất để cung cấp được máu, oxy đến cho tế bào não, nhất là trong vòng 5 phút đầu. Vì vậy, kỹ năng cấp cứu ngừng tim tại chỗ đúng kỹ thuật trong thời gian đầu là rất quan trọng.
Vị chuyên gia này cho biết nếu tiếp xúc với người có dấu hiệu ngừng tim, bất tỉnh, không thở bạn nên gọi 115 ngay lập tức. Trong lúc chờ nhân viên y tế, người dân cần nhanh chóng sơ cấp cứu cho người bệnh bằng kỹ thuật ép tim để giúp nạn nhân phục hồi lại tim, tránh nguy cơ tử vong.
Các kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân ngừng tuần hoàn người dân cần biết:
Ép tim
Đặt người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng. Người bệnh nằm sấp cần nhẹ nhàng xoay người lại. Nếu nghi ngờ người bệnh có chấn thương cột sống cổ, cố gắng lật cả người: đầu, cổ, thân, chân cùng lúc.
Một bàn tay đặt lên chính giữa 1/2 dưới của xương ức bệnh nhân, bàn tay kia đặt lên trên bàn tay trước, các ngón tay xen kẽ và cùng chiều nhau, dùng lực của hai tay, vai và thân mình ép vuông góc xuống lồng ngực của bệnh nhân sao cho xương ức lún xuống 4-5 cm.
Sau đó nhấc tay lên và tiếp tục nhịp ép thứ hai, tốc độ ép tối ưu là 100-120 lần/phút. Với mỗi nhịp ép tim đúng kỹ thuật sẽ phải bắt được động mạch bẹn hoặc động mạch cảnh nảy.
Việc ép tim có thể giúp đưa máu lên vòng tuần hoàn nhờ có lực ép trực tiếp lên tim kết hợp với làm thay đổi áp lực trong lồng ngực. Động tác này sẽ đưa máu từ thất phải lên trao đổi khí ở phổi, đưa máu từ thất trái lên tuần hoàn vành và tuần hoàn não, còn máu sẽ thụ động trở về tâm nhĩ khi ngừng ép khiến tim giãn ra và áp lực trong lồng ngực giảm xuống.
Khai thông đường thở, thổi ngạt
Cùng với việc ép tim ngoài lồng ngực, người tiến hành cấp cứu nạn nhân cũng cần khai thông đường thở và thổi ngạt cho nạn nhân bằng cách:
- Kỹ thuật ấn trán - nâng cằm: Dùng lòng bàn tay đặt lên trán và ấn ra sau làm ngửa đầu người bệnh, dùng tay còn lại nhấc hàm dưới lên đưa cằm ra trước.
- Kỹ thuật đẩy hàm dưới được sử dụng khi nghi ngờ người bệnh có chấn thương cột sống cổ.
- Thổi ngạt trực tiếp kiểu miệng - miệng, mặt nạ thổi ngạt. Khi thổi ngạt, người cấp cứu dùng miệng thổi khí vào phổi người bệnh qua màng lọc, mặt nạ hoặc trực tiếp, thổi chậm trong vòng 1 giây đủ để thấy lồng ngực nhô lên.
Đầu tiên, cần thổi 2 nhịp liên tiếp để đánh giá xem đường thở của người bệnh có thông suốt không, nếu không thấy lồng ngực nâng lên nhẹ nhàng thì cần mở miệng để phát hiện có dị vật hay không.
Hai động tác ép tim và thổi ngạt phải được thực hiện xen kẽ nhau một cách nhịp nhàng theo các chu kỳ hồi sinh tim phổi.