Theo Eurasian Times, kể từ khi chiến dịch đặc biệt bắt đầu, quân đội Ukraine vốn chủ yếu sử dụng các hệ thống phòng không mặt đất để đối phó với tên lửa và UAV của Nga. Tuy nhiên, khi kho tên lửa đất đối không (SAM) của nước này đang cạn dần, các tiêm kích MiG-29 đã được huy động để đánh chặn các nguy cơ trên không.
Trong ngày 19/11, một đoạn video quay lại cảnh tiêm kích MiG-29 đánh chặn một tên lửa Kh-101 của Nga đã được công bố. Thông tin này sau đó được xác nhận bởi ông Ruslan Zaparaniuk, người đứng đầu chính quyền tỉnh Chernivtsi.
Ông Zaparaniuk cho biết, tiêm kích của Ukraine đã thành công đánh chặn một tên lửa hành trình ở quận Dnistrovskyi, những mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống hồ nước gần đó.
Trước đó, một đoạn video về tiêm kích MiG-29 sử dụng tên lửa không đối không để đánh chặn một vật thể chưa phân loại cũng được công bố. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, đoạn video được quay tại Odessa hồi cuối tháng 10. Tại thời điểm đó, Nga đã phóng 17 tên lửa Kh-101 và 16 tên lửa Kalibr trong một cuộc tập kích diện rộng.
Vào cuối tháng 6, Bộ Quốc phòng Ukraine đã tổ chức đợt huấn luyện đặc biệt dành cho các phi công của nước này, tập trung theo dấu và đánh chặn tên lửa ngay giữa không trung.
Các tên lửa hành trình thường có tiết diện phản xạ radar nhỏ và bay ở độ cao thấp nên chúng rất khó bị phát hiện bằng hệ thống radar của máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, các loại tên lửa phổ biến của Nga như Kalibr, Kh-101 hay Kh-59 đều sử dụng động cơ phản lực thông thường, sẽ để lại dấu vết nhiệt khi di chuyển trong không khí. Tận dụng đặc điểm này, các phi công của Ukraine đã sử dụng hệ thống khóa mục tiêu quang điện để theo dõi và đánh chặn.