Theo tờ Business Insider, chưa thể xác minh chi tiết về thời gian và địa điểm của đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội hôm 25/9.
Đoạn video cho thấy UAV Ukraine dường như đã phát hiện ra 3 xe tăng bơm hơi của Nga được bố trí gần Zaporizhzhia. Trong đó, 2 xe tăng giả được nguy trang bằng dây leo và bụi cây. Chiếc còn lại xuất hiện mà không có sự che chắn.
Đoạn video ban đầu do một nhóm là thành viên Lữ đoàn cơ giới 116 đăng lên Telegram. Họ nói rằng các lực lượng Ukraine nên "cẩn thận", và kêu gọi "không nên tiêu tốn đạn dược một cách vô ích". Nhóm khẳng định, “ngày càng có nhiều loại vũ khí giả như thế này ở vùng xung đột”.
Việc sử dụng vũ khí giả để đánh lừa sẽ khiến đối phương lãng phí vũ khí đắt tiền là một chiến thuật đã được Nga sử dụng từ lâu. Các tài liệu cho thấy, Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí bơm hơi như xe tăng, máy bay chiến đấu MiG-31, và hệ thống tên lửa S-300 để làm mồi nhử.
Trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Moscow đã ưu tiên phát triển các thiết bị dự phòng như cả một trạm radar chỉ cần bơm hơi và nhanh chóng huy động ra tiền tuyến để đánh lừa đối phương.
Phía Ukraine cũng tuyên bố từng khiến Nga phí đạn dược vì vũ khí giả. Vào tháng 8/2022, Kiev đã sử dụng vũ khí giả mang hình dáng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp để đánh lừa quân đội Nga phóng tên lửa hành trình.
Theo Ukraine, số lượng HIMARS mà Nga tuyên bố đã tiêu diệt thậm chí vượt con số thật mà Mỹ cung cấp cho Kiev. Thời gian gần đây, Ukraine còn chế tạo những khẩu pháo giả được làm từ ống cống.