Sáng nay (12/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, VKSND tối cao.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị báo cáo của TAND và VKSND làm rõ hơn về tranh tụng tại các phiên tòa, vì đây là một trong những điểm đổi mới rõ nét trong nhiệm kỳ vừa qua.

Giải trình sau đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đối với các thẩm phán, tranh tụng là con đường đi đến công lý.

{keywords}
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

"Tranh tụng tốt, chúng ta lắng nghe được ý kiến phản biện, chúng tôi không hạn chế việc tranh tụng", Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, chủ thể tranh tụng không phải tòa án mà là VKS và luật sư, bên buộc tội và bên gỡ tội.  Tòa chỉ là cơ quan tạo điều kiện tối đa cho tranh tụng và sử dụng kết quả tranh tụng.

“Chất lượng tranh tụng phụ thuộc và các chủ thể chứ tòa án chỉ tạo môi trường và tôn trọng việc đó. Quan điểm của chúng tôi tranh tụng chính là con đường đi đến chân lý”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Ngay Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, án hình sự, đặc biệt lên cấp Trung ương, tranh tụng không có gì phải băn khoăn,  so với trước đã tiến bộ nhiều, nhưng những vụ án dân sự và hành chính thì có một số khó khăn.

Ông Trí nhìn nhận, có tình trạng cả nể. Bởi một kiểm sát viên công tác ở VKS huyện, tỉnh ra tòa buộc họ phát biểu mạnh về ông chủ tịch tỉnh thì mai mốt chắc không dễ làm việc. Tất nhiên, đó là công việc, nhưng không có  quan hệ tốt thì khó.

"Kiểm sát viên muốn nói mạnh mà ông Viện trưởng bảo “nói vừa vừa thôi” cũng không dám nói. Phải nói thật như vậy. Viện trưởng VKSND tối cao cũng phải dùng thuyết phục là nhiều, chứ có phải lúc nào cũng nói hết”, ông Trí giãi bày.

Ông Lê Minh Trí cũng chia sẻ thêm, một cán bộ bình thường đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì khó, vì "ngay Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể", tất nhiên là có nguyên tắc.

"Vấn đề gì thuộc về lòng tin, về trách nhiệm đối với công việc chung là tôi bảo vệ. Thậm chí, tôi biết bị ghét nhưng vẫn phải làm. Tuy nhiên, yêu cầu tất cả cán bộ dưới quyền đều làm như mình hết thì không phải dễ”, Viện trưởng VKSND tối cao nói thẳng.

Ông cũng nhìn nhận thực tế có phê bình, tiếp thu, có cái nâng lên, nhưng nói không còn “cả nể” thì ngay cả trong hệ thống tính “cả nể” còn lớn, không riêng ở khối tư pháp.

Ngoài ra, ông Trí cũng chỉ rõ, án dân sự, hành chính đòi hỏi kiến thức tổng hợp về kinh tế- xã hội, chuyên ngành.

Chẳng hạn như liên quan đến đất đai là phải hiểu về nhiều thời kỳ, chứ không phải chỉ đất đai đơn thuần. Có những vấn đề từ mấy chục năm trước, bây giờ tranh chấp với nhau, không phải kiểm sát viên nào cũng nắm rõ hết.

{keywords}
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí

 

"Như tôi 60 tuổi rồi, khi 45 tuổi thì những vụ việc từ đó về sau tôi biết, trước đó cũng không biết được. Từ các nghị định của Chính phủ dẫn đến vấn đề bồi thường, cứ vài năm lại ra một nghị định, tiến sỹ mà không rành về đất đai thì cũng không trả lời, tranh tụng hay phát biểu một cách đầy đủ được", ông Lê Minh Trí dẫn thực tế.

Viện trưởng VKSND tối cao cũng nêu khó khăn khi tốc độ các vụ án hành chính và dân sự tăng rất nhanh những năm gần đây, từ 250 lên 350 vụ, tạo áp lực cho cả tòa, viện. Các cơ quan đều có những nỗ lực, cố gắng chuyển biến tốt, nhưng so với yêu cầu là “cuộc rượt đuổi, không đơn giản”.

Hứa nộp 500 tỷ, vợ vào gặp một lần lại không chấp nhận nộp
 
Đề cập đến vai trò của luật sư, ông Trí cho rằng, việc này liên quan trực tiếp đến cơ quan điều tra, VKS. Luật sư là chế định góp phần bảo vệ quyền con người, nhưng khi luật sư thực hành nghề của mình lại có yếu tố bảo vệ thân chủ. Luật sư thậm chí dùng mọi cách để bảo vệ thân chủ, kể cả là cản trở quá trình điều tra chứng minh tội phạm. 

“Thời gian qua, tôi chỉ đạo các kiểm sát viên khi có yêu cầu là phải làm đúng quy định của pháp luật. Vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng đã đồng ý với điều tra viên và kiểm sát viên là sẽ khắc phục hậu quả 800 tỷ đồng, nhưng sau khi luật sư vào thì không nói gì đến chuyện này. Vì luật sư nói, nếu ông nộp 800 tỷ, người ta sẽ hỏi ở đâu có, là ông tham nhũng thì còn chết hơn nữa”, Viện trưởng VKSND tối cao dẫn chứng.

Ông Trí kể một vụ án khác hứa nộp 500 tỷ,  vợ bị can vào gặp một lần duy nhất, sau đó bị cáo không bao giờ chấp nhận nộp tiền. “Người vợ nói gì mình không biết, nhưng những cuộc gặp như thế xong là thay đổi lời khai”, ông Lê Minh Trí nói.

Theo Viện trưởng VKSND tối cao, trong quá trình điều tra, làm sao vừa bảo vệ quyền con người nhưng vừa đảm bảo hiệu quả đấu tranh chống tội phạm nên ông mong muốn được chia sẻ.

Ông Trí cũng khẳng định ngành cấp phép đúng quy định, trao đổi với tinh thần tốt nhất có thể nhưng không có nghĩa là cứ mở, tin vào việc bảo vệ quyền con người mà không tính đến nghiệp vụ đấu tranh để chứng minh bản chất tội phạm. Việc này phải hài hòa trong lộ trình điều tra.
 
“Với trách nhiệm người đứng đầu ngành kiểm sát, tôi sẽ trực tiếp lắng nghe, về sẽ có điều chỉnh, chia tách những nội hàm, nội dung để làm sao phản ánh đầy đủ hơn”, Viện trưởng VKSND tối cao nói. 

Thu Hằng 

Viện trưởng VKSND tối cao: Lập án mà suy đoán trúng hết chỉ có thầy bói

Viện trưởng VKSND tối cao: Lập án mà suy đoán trúng hết chỉ có thầy bói

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng, việc mới vừa lập án mà suy đoán trúng hết thì chỉ có thầy bói.