Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến vừa báo cáo Quốc hội công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.
Khởi tố mới 1.027 vụ tội phạm tham nhũng, chức vụ
Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, năm 2024, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nhiều loại tội phạm với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin, nhất là trong lĩnh vực: Đấu thầu, đất đai, tài chính, ngân hàng, giáo dục, xăng dầu, khai thác tài nguyên...
Đáng chú ý là tội phạm tham nhũng, chức vụ đã khởi tố mới 1.027 vụ (tăng trên 17%). Các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.
Nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, có sự cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ nhà nước với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kinh doanh điện, xăng dầu.
Chẳng hạn như vụ vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Hay vụ Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.
Vụ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố cũng được báo cáo điểm tên.
Vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil cũng được điểm tên...
Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp tăng gần 25%
Một nội dung đáng chú ý khác được Viện trưởng VKSND Tối cao nhắc đến là tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp khởi tố mới 76 vụ (tăng gần 25%). Trong đó, chủ yếu liên quan các hành vi nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản...
Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp và thụ lý, điều tra 105 vụ/204 bị can (trong đó có 74 vụ/138 bị can mới thụ lý, khởi tố) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cụ thể như vụ Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan CSĐT Công an TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã nhận hối lộ 1,3 tỷ đồng giúp các bị can tại ngoại.
Hay vụ Nguyễn Văn Bi, Chấp hành viên Cục THADS tỉnh An Giang đã thu tiền của người phải thi hành án, chiếm đoạt 608 triệu đồng để sử dụng cá nhân...
Theo báo cáo của Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã thụ lý, điều tra 55 vụ/115 bị can nguyên là điều tra viên, cán bộ điều tra ngành Công an (số cũ 11 vụ/39 bị can; số mới thụ lý, khởi tố 41 vụ/76 bị can; số phục hồi 3 vụ) để xử lý về các tội: Nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; giả mạo trong công tác; dùng nhục hình; làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc...
Ngoài ra, ngành Kiểm sát đã phát hiện một số vi phạm, thiếu sót của công chức, kiểm sát viên và Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã khởi tố điều tra 4 vụ/10 bị can là công chức ngành KSND về tội Nhận hối lộ.
Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã thụ lý, điều tra 11 vụ/13 bị can là công chức ngành Tòa án về các tội: Nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc.
Đồng thời, thụ lý, điều tra 18 vụ/21 bị can gồm số cũ 6 vụ/7 bị can, số mới thụ lý 11 vụ/13 bị can, số phục hồi điều tra 1 vụ/1 bị can là công chức Cơ quan Thi hành án dân sự về các tội: Tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, có 4 vụ/4 bị can bị điều tra về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 6 vụ/7 bị can về tội Tham ô tài sản và 1 vụ/1 bị can về tội Nhận hối lộ.