Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Phẫu thuật đại trực tràng khu vực Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ngày 2/12 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Đây là lần đầu tiên hội nghị diễn ra tại Việt Nam do Bệnh viện Chợ Rẫy đăng cai tổ chức.
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tọa Hội nghị cho biết, ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư rất phổ biến tại Việt Nam.
Mỗi năm, cả nước ghi nhận khoảng 16.000 trường hợp mới mắc ung thư đại trực tràng. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi năm thực hiện khoảng 1.200 ca phẫu thuật. Do chưa có chương trình tầm soát quốc gia về loại ung thư này, đa số người bệnh phát hiện đã ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn và tốn kém.
Từ năm 2001, các bệnh viện tại Việt Nam bắt đầu triển khai phẫu thuật ung thư đại trực tràng bằng phương pháp nội soi ít xâm lấn. Từ năm 2015, một số bệnh viện triển khai phẫu thuật robot với loại bệnh lý này, đạt hiệu quả cao, phục hồi nhanh, an toàn cho người bệnh.
Theo bác sĩ Trung, hiện nay, phẫu thuật ung thư đại trực tràng ở Việt Nam đã trở thành phẫu thuật tiêu chuẩn với các phương tiện, dụng cụ tốt và đội ngũ nhân sự có tay nghề, chuyên môn cao.
Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân đông nên tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở bệnh viện tuyến cuối, một số cơ sở tuyến dưới lại chưa đáp ứng được năng lực điều trị.
Bác sĩ Trung khuyến cáo, kiểm tra đại trực tràng thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để sàng lọc và phát hiện sớm ung thư. Ngoài ra, bệnh có thể phòng ngừa thông qua thói quen ăn uống lành mạnh như: hạn chế thịt đỏ, thức uống có cồn, tăng các loại thực phẩm nhiều chất xơ; tăng cường vận động thể lực.
Hội nghị Phẫu thuật đại trực tràng khu vực Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trong ngày 2 và 3/12, thu hút sự tham dự của 300 bác sĩ phẫu thuật trong khu vực ASEAN và các báo cáo viên đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.