WhiteHat Grand Prix 06 là lần thứ 5 cuộc thi được mở rộng ra quy mô toàn cầu. |
Vòng Sơ loại cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 06 chủ đề “Việt Nam hôm nay – Vietnam Today” đã khép lại vào sáng ngày 5/1/2020, sau 24 giờ tranh tài liên tục. Tại vòng thi này, các đội thi theo hình thức CTF – Jeopardy Online với các chủ đề Reverse engineering (dịch ngược mã nguồn phần mềm, unpack…), Web Security (các kỹ thuật tấn công vào ứng dụng web) Cryptography (lý thuyết mật mã và ứng dụng, phá mã), Pwnable (khai thác lỗ hổng phần mềm), Miscellaneous (hỗn hợp).
Kết quả chính thức của vòng thi Sơ loại vừa được Ban tổ chức thông báo chiều nay, ngày 6/1/2020. Theo đó, không chỉ dẫn đầu bảng điểm, Mỹ còn là quốc gia có tới 3 đội lọt vào vòng Chung kết cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 06. Top 10 vòng Sơ loại còn có 2 đội của Việt Nam, 2 đội Hàn Quốc và 3 đội đến từ Nga, Ấn Độ và Đức. Cuộc thi năm nay thu hút tới 739 đội đến từ 84 quốc gia.
Danh sách Top 10 của vòng thi Sơ loại cũng là 10 đội thi sẽ có mặt tại vòng Chung kết WhiteHat Grand Prix 06 gồm có: perfectblue, DiceGang, 0penToA11 (Mỹ); KingTigerPrawn, JustToPlay (Hàn Quốc), ACEBEAR, BabyPhD (Việt Nam); More Smoked Leet Chicken (Nga); InfoSecIITR (Ấn Độ); và AllESCTF (Đức).
Top 10 vòng Sơ loại cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 06 (Nguồn ảnh: WhiteHat.vn) |
Theo đánh giá của Ban tổ chức, vòng Sơ loại cuộc thi đã diễn ra với sự cạnh tranh quyết liệt. Việt Nam gây ấn tượng mạnh khi là quốc gia có đội đầu tiên ghi điểm và trong suốt cuộc đua cờ Việt Nam luôn có mặt trong Top 10. Đặc biệt, ACEBEAR của Việt Nam đã duy trì phong độ ổn định, thậm chí án ngữ ở vị trí quán quân liên tục trong nhiều giờ. Tuy nhiên, ở những giờ cuối cùng, ACEBEAR lần lượt bị qua mặt và đành chấp nhận ở vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng.
DiceGang của Mỹ hay More Smoked Leet Chicken của Nga cũng là những cái tên mới toanh của cuộc thi nhưng thể hiện phong độ áp đảo ngay từ đầu. Trong suốt quá trình diễn ra vòng Sơ loại, thứ hạng các đội thi không có quá nhiều thay đổi đột biến mặc dù có sự góp mặt của các tên tuổi trong Top 10 CTF Time như Dcua (Ukraina) hay P4Team (Ba Lan). Ở những phút cuối cùng, P4Team đã đứng ở vị trí thứ 11, song những nỗ lực bứt phá đã không thể giúp đội thi đứng thứ 4 bảng xếp hạng CTF Time giành được một suất đi tiếp tại WhiteHat Grand Prix năm nay.
Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng ban đề thi WhiteHat Grand Prix 06 nhận định, điều đặc biệt tại vòng Sơ loại WhiteHat Grand Prix năm nay là ưu thế lại thuộc về các tay chơi mới. “Theo dõi diễn biến của cuộc thi, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi những tên tuổi được kỳ vọng như Dcua hay P4team, mặc dù đã rất nỗ lực xong vẫn không thể đi tiếp. Tuy nhiên, việc xuất hiện nhiều cái tên mới đến từ Đức hay Hàn Quốc, Ấn Độ sẽ khiến cuộc đua của vòng Chung kết sẽ thêm phần thú vị và nhiều màu sắc hơn”, ông Nguyễn Văn Cường cho hay.
Đại diện của Ban Tổ chức cũng nhận định, Top 10 đội sẽ có mặt tại vòng Chung kết WhiteHat Grand Prix 06 đến từ Mỹ, Đức, Ấn Độ, Nga… đều là những quốc gia có nền công nghệ rất phát triển. Điều này phản ánh khá sát với tình hình thực tế và trình độ các đội thi.
Bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của vòng Sơ loại cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 06 (Nguồn ảnh: WhiteHat.vn) |
Bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của vòng Sơ loại cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 06 (Nguồn ảnh: WhiteHat.vn) |
Trong thời gian diễn ra vòng Sơ loại, một số vấn đề kỹ thuật khiến hệ thống thi bị gián đoạn trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến việc làm bài của các “tay đua”. Đội hỗ trợ của Ban tổ chức đã túc trực hỗ trợ kịp thời cho các đội thi. Thành viên có nick That way của một đội chơi đã phản hồi trên kênh trao đổi với Ban tổ chức: “You are so nice and the most responsive support. I'll rate this CTF high because of you my love. (Tạm dịch: Các bạn thật tuyệt. Tôi sẽ xếp hạng cao cho cuộc thi WhiteHat Grand Prix trên trang CTF Time vì những nỗ lực liên tục trợ giúp các đội thi của các bạn)”.
Vòng Chung kết cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 2/2020 tại Hà Nội. Không chỉ có nội dung Attack/Defense truyền thống như các mùa giải trước, năm nay, ở vòng thi này, Ban tổ chức sẽ bổ sung phần thi Private Bug Bounty, tìm kiếm lỗ hổng trên các phần mềm thông dụng và hệ thống thông tin quan trọng tại Việt Nam. Với phần thi mới, ngoài giải thưởng cao nhất trị giá 230 triệu đồng, các đội còn có cơ hội nhận thêm khoản tiền thưởng tương ứng với các lỗ hổng phát hiện được.
WhiteHat Grand Prix được tổ chức lần đầu tiên ở cấp quốc gia năm 2014 và bắt đầu mở rộng ra quy mô toàn cầu từ năm 2015, với sự phối hợp của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT. Năm 2016, cuộc thi đã thu hút hơn 500 đội thi đến từ 52 quốc gia với nhiều đội trong Top 10 CTFTime. WhiteHat Grand Prix 2017 chứng kiến sự lớn mạnh của đội ngũ các chuyên gia an toàn thông tin Việt Nam khi lần đầu tiên đội thi đến từ Việt Nam giành giải Nhất. Giữ ngôi đương kim vô địch WhiteHat Grand Prix hiện là đội LC1BC của Nga.