Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chia sẻ nhiều thông tin về các kết quả đạt được trong năm 2022 về lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Theo đó, Việt Nam hiện xếp thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu, tăng 5 bậc so với năm 2021. Với 4 kỳ lân công nghệ hiện có, Việt Nam đang khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.
Mô hình “Ngày hội khởi nghiệp – Techfest“ đã và đang được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 Techfest vùng, địa phương được tổ chức trong năm 2022. Sự xuất hiện của nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương và cấp vùng đã cho thấy sự lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Điều này cũng được thể hiện trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển. Những thống kê trên cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
Trong năm 2022, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).
Đây là năm đầu tiên Bộ chỉ số này được triển khai với tổng cộng 20 địa phương thí điểm. PII được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi tỉnh/thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ KH&CN cùng các đối tác đã xây dựng bảng phân hạng năng lực công bố về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam. Hoạt động này góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, trong năm qua, các chủ trương của Đảng về phát triển KHCN&ĐMST đã tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bám sát theo các định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII.
“Bộ KH&CN đã và đang hoàn thiện các chính sách phát triển thị trường KH&CN, chính sách thí điểm việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, chính sách về thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Chia sẻ tại Hội nghị, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, muốn khoa học công nghệ trở thành động lực đưa đất nước phát triển, cần phải xây dựng được các quy định về quản lý nhà nước về khoa học công nghệ. Trong đó, có việc đưa các hệ thống văn bản pháp lý thực sự đi vào hiệu lực để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, không phải lo quá nhiều các loại hóa đơn chứng từ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần có một hệ thống thông tin quản lý khoa học công nghệ công khai minh bạch các công trình nghiên cứu và ý kiến phản biện. Đây chính là cách để nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học.
Đối với khởi nghiệp sáng tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ KH&CN cần tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Bộ KH&CN là Bộ nắm giữ vai trò quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, các chỉ tiêu về đổi mới sáng tạo toàn cầu liên tục thay đổi. Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ cho Bộ KH&CN cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.
Trọng Đạt