Bên lề sự kiện Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận và chia sẻ nhiều góc nhìn về sự phát triển của Việt Nam thông qua 2 lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn.
Chia sẻ tại diễn đàn Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam đang hội tụ các điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Việt Nam có tình trạng chính trị ổn định, quyết tâm chính trị cao về việc phát triển kinh tế tập trung vào những ngành công nghệ cao, coi đó là đột phá chiến lược. Với khoảng 100 triệu dân, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ, đang trong thời kỳ dân số vàng, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam lựa chọn phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp từ thực tiễn khách quan. Ưu tiên lựa chọn này nhằm hiện thực hóa mục tiêu bắt kịp, tiến cùng, vượt lên so với các quốc gia khác trên thế giới.
Với những lợi thế sẵn có và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nếu làm tốt, Việt Nam không chỉ phục vụ được nhu cầu nhân lực của thị trường công nghệ trong nước mà có thể cung cấp nguồn nhân lực cho cả thị trường nước ngoài, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trên thực tế, những năm gần đây, Việt Nam đã hình thành nên một hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực, với sự tham gia của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, NVIDIA, Qualcomm, Intel, Amkor…
“Sắp tới, Việt Nam sẽ là lựa chọn chiến lược của các tập đoàn công nghệ, họ sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, những doanh nghiệp chưa vào sẽ vào với quy mô rất lớn”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chia sẻ.
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho rằng, vấn đề hiện tại của Việt Nam là phải chuẩn bị về chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực để đón các tập đoàn công nghệ nước ngoài. Bên cạnh đó là việc triển khai sao cho hiệu quả các chiến lược về AI và bán dẫn đã được phê duyệt.
Chia sẻ góc nhìn về việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực AI, bán dẫn, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor nhận định, trí tuệ nhân tạo và bán dẫn là 2 ngành có tốc độ tăng trưởng lớn.
Quy mô của thị trường AI và công nghiệp bán dẫn dự đoán sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong thị trường này, Việt Nam có nhiều lợi thế. Đây được xem là một cơ hội cho Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn đó những thách thức như thiếu hụt kỹ sư chuyên ngành, chương trình đào tạo chưa đạt yêu cầu, thiếu thiếu giảng viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm thực tế…
Với quy mô chỉ khoảng 5.000 – 10.000 kỹ sư thiết kế, kỹ sư đóng gói kiểm thử về bán dẫn, chuyên gia của FPT cho rằng, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để rút ngắn và lấp đầy khoảng cách với các đối thủ khác trong khu vực.
Đối với lĩnh vực AI, TS. Ettikan Karuppiah, Giám đốc công nghệ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tập đoàn NVIDIA cho hay, hiện tại Việt Nam đã xuất hiện những “model AI” được tinh chỉnh với nhiều đặc tính phù hợp với văn hóa bản địa Việt Nam, dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở.
Theo TS. Ettikan Karuppiah, việc phát triển các giải pháp generative AI (AI tạo sinh) nội địa sẽ giúp tạo ra các công cụ phù hợp với thực tế địa phương, kiểm soát tốt hơn mô hình AI, đồng thời bảo vệ được dữ liệu của người dùng trong nước.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, đây là thời điểm “vàng” để Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực AI và bán dẫn. Việt Nam có thể trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới, nhưng điều này cần đến sự hợp tác tốt giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng