Chiều 9/5, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, báo chí tiếp tục quan tâm đến dự án kênh đào Funan Techo do Campuchia xây dựng.
Báo chí dẫn thông tin từ phát biểu của Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol khẳng định, nước này không lơ là việc cung cấp thông tin về kênh đào Funan Techo cho Việt Nam. Ông cũng cho biết dự án chỉ cần 5m3/s, tương đương 0,053% lưu lượng sông và nhấn mạnh, kênh đào Funan Techo thậm chí còn góp phần giảm nhẹ lũ lụt ở miền Nam Việt Nam.
Bình luận về các phát biểu này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, "những thông tin mà chúng tôi có được cho đến thời điểm này về dự án kênh đào Funan Techo chưa đủ để có thể đánh giá cụ thể về mức độ tác động của dự án".
Người phát ngôn nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong để chia sẻ đầy đủ thông tin, đánh giá chi tiết tác động của dự án này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong. Đây cũng là các biện pháp quản lý chung và dài hạn nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Mekong.
Ngày 5/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những phát biểu gần đây của phía Campuchia về việc triển khai dự án kênh đào Funan Techo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước".
Hôm 6/5, tiếp Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun nhân dịp ông Savoeun sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam mong muốn cùng Campuchia và các quốc gia trong lưu vực sông Mekong hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động sử dụng, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững dòng sông Mekong, bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của cộng đồng người dân trên lưu vực.
Kênh đào Funan Techo dự kiến dài 180km, nối từ Prek Takeo trên sông Mekong đến Prek Ta Ek và Prek Ta Hing trên sông Bassac, sau đó đổ ra Vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia.
Kênh đào đi qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, hai bên có khoảng 1,6 triệu người sinh sống.
Funan Techo dự kiến có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ nguồn, sâu 5,4m, gồm độ sâu điều hướng 4,7m và biên an toàn 0,7m, cho phép tàu hàng tải trọng toàn phần lên đến 3.000 tấn đi qua vào mùa khô, 5.000 tấn vào mùa mưa. Kênh có hai làn, các phương tiện có thể ra vào và tránh nhau an toàn.