Chân thành sát cánh trong cơn hoạn nạn
Không gian của “Diễn đàn Kỹ thuật số Nikkei châu Á 2023” sáng 24/10 ở Hà Nội bỗng nhiên lắng xuống khi Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nhắc lại câu chuyện có thật ở thời điểm 12 năm trước, thể hiện rõ tình cảm chân thành của người Việt Nam nói chung, người FPT nói riêng, với các đối tác Nhật Bản trong cơn hoạn nạn.
“Năm 2011, trong một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo FPT Japan, thấy mặt các bạn dự họp đượm buồn, tôi hỏi “Có việc gì không?”, bác Ogawa Takeo (nguyên Tổng Giám đốc Hitachi Software, lúc này là Giám đốc FPT Japan – PV) trả lời “Không có gì!”, nhưng tôi biết có sự cố quan trọng. Sau khi dừng cuộc họp, tôi quay về văn phòng, yêu cầu thư ký đặt vé máy bay ngay sang Nhật. Các bạn thư ký ngăn cản: “Anh không thể đi được vì phóng xạ đã lên gấp 200 lần so với bình thường”, song tôi kiên quyết không nghe và chốt rằng: “Anh quyết định hay là em quyết định”. Về tới nhà, đến lượt vợ quyết liệt can ngăn: “Gia đình cấm không cho anh đi”, tôi thuyết phục: “Nếu cấm tức là không cho anh là anh”, cuối cùng vợ tôi cũng phải đồng ý”, Chủ tịch Trương Gia Bình kể.
Công tác chuẩn bị hành lý gấp rút được tiến hành. Lo các đối tác ở Nhật Bản không có thức ăn, đoàn của ông Bình mua theo rất nhiều mì ăn liền. Đặc biệt, còn có cả một thùng giấy đựng đầy lá chè tươi vì theo kinh nghiệm dân gian thì lá chè tươi có thể giúp chống phóng xạ.
Hai ngày sau, ông Bình có mặt tại Tokyo.
“Lúc đấy, tất cả người nước ngoài, kể cả sứ quán nước ngoài cũng đã rời khỏi Tokyo. Tôi nói chuyện với toàn bộ nhân viên của FPT. Tôi bảo: “Anh có một lời nhờ các em, và sẽ sẵn sàng đáp ứng lại bất kỳ lời nhờ nào của các em cho đến cuối đời. Đó là không một người FPT nào rời bỏ Nhật Bản lúc này”. Và các em đã đồng ý”, ông Bình kể tiếp.
Thời điểm ấy, ở lại Nhật Bản là một quyết định đầy mạo hiểm, rủi ro. Cơn địa chấn 9 độ richter và sóng thần cao 15m đã cướp đi hơn 19.000 sinh mạng, và tiếp đó trở thành thảm họa kép khi kéo theo sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
Với tình cảm yêu thương chân thành, người FPT đã sát cánh bên những người bạn Nhật, cùng chia sẻ khó khăn sau thảm họa.
“Khi chúng tôi đến thăm một cơ sở chế tạo máy X-quang, scanner, ngày xuất xưởng cần phải có chữ ký của cán bộ FPT làm testing (kiểm thử). Bạn ấy băn khoăn chia sẻ: “Em phải về Việt Nam vì bố đang nằm trong bệnh viện để chuẩn bị mổ tim, em lại là con trai duy nhất trong nhà”. Tôi đề nghị: “Em ở lại đi. Với tư cách là anh em thì bố em cũng coi như là bố anh. Và anh chăm sóc bố em chắc chắn sẽ tốt hơn em”. Và bạn ở lại”, dòng hồi ức đầy xúc động tiếp tục tái hiện qua lời kể của Chủ tịch FPT.
Giữ đúng lời hứa, khi về Việt Nam, từ sân bay, ông Bình tới thẳng bệnh viện, thăm bố của nhân viên, cũng là một cựu quân nhân. Ông cậy nhờ bác sĩ trưởng khoa tìm những bác sĩ tốt nhất, thực hiện những biện pháp chăm sóc người bệnh tốt nhất để làm tròn lời hứa với nhân viên của mình.
Bác sĩ trưởng khoa nhận lời, chỉ định bác sĩ mổ giỏi nhất, song còn e ngại vấn đề “thiếu máu” để truyền cho bệnh nhân khi phẫu thuật.
Vấn đề được giải quyết nhanh chóng khi ông Bình cam kết: “Việc ấy thì dễ, tôi sẽ cử người FPT cùng nhóm máu đứng chờ”. Và ngày hôm sau, 20 cán bộ FPT cùng nhóm máu chờ ở ngoài phòng mổ.
“Tôi kể câu chuyện trên chỉ để nói lên rằng tình cảm của hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản chúng ta là rất rất gần gũi. Cũng trong dịp đó, tất cả người FPT đều đóng góp một ngày lương của mình để hỗ trợ các bạn Nhật. Chúng tôi lạc hậu đến mức đổi tiền Việt sang tiền đô la rồi đem 300.000 đô la tiền mặt đến Sứ quán để ủng hộ”, Chủ tịch Trương Gia Bình tiếp mạch chuyện với nụ cười hồn hậu trên gương mặt.
Đồng hành hướng tới tương lai
“Vừa rồi chúng tôi có vinh dự tổ chức chương trình Nhạc giao hưởng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Chúng tôi rất tự hào khi nhạc cụ dân tộc Việt Nam trình diễn những bài nhạc Nhật Bản hòa quyện một cách tuyệt vời, như tình cảm của nhân dân hai nước với nhau vậy”, ông Bình quay lại với hiện tại.
Chủ tịch FPT cho biết rất tâm đắc với khẩu hiệu: “Việt – Nhật đồng hành, Hướng tới tương lai, Vươn tầm thế giới”. Bởi nguyên tắc này đã được FPT áp dụng trong suốt những năm qua và sẽ tiếp tục áp dụng trong thời gian tới.
Nhật Bản đang có một vấn đề lớn, đó là quốc gia “đi sớm” về chuyển đổi số, cần lực lượng lao động trẻ có kiến thức, kỹ năng công nghệ mới để sẵn sàng chuyển đổi những hệ thống cũ sang hệ thống mới.
FPT sẵn sàng đồng hành giải quyết vấn đề lớn này khi thành lập trường học riêng, hiện có tới 180.000 học sinh, sinh viên, học tiếng Anh và cả tiếng Nhật, đón đầu những công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data), Internet kết nối vạn vật (IoT), Chat GPT…
“Chúng tôi muốn cùng đối tác của mình thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn nữa để cùng nhau hướng đến tương lai và vươn ra thế giới. Chúng ta là những người bạn đáng tin cậy nhất”, ông Bình khẳng định.
Một thách thức lớn khác theo ông Bình đó là Nhật Bản cần phải chuyển đổi nhanh từ ô tô truyền thống sang ô tô điện. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra bước ngoặt lớn, và những công nghệ cao nhất đang dồn vào ô tô. Tại Đức, các nhà sản xuất đã liên minh lại để duy trì vị thế của Đức trong ngành ô tô công nghệ mới, ô tô điện.
“Ưu tiên cao nhất của Tập đoàn FPT những năm tới là ô tô điện. Chúng tôi mong muốn đồng hành với ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản. Tích lũy 20 năm kinh nghiệm làm phần mềm gần với ngành ô tô, FPT có một số lợi thế có thể nhanh chóng phối hợp cùng các công ty Nhật Bản để nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành này”, ông Bình đề xuất.
Trong bối cảnh thế giới đứng trước rất nhiều thách thức mới buộc các quốc gia phải thích nghi, Chủ tịch FPT nhấn mạnh “định vị Việt Nam”: “Ngọn lửa chiến tranh có thể không chỉ dừng lại ở Ukraine hay dải Gaza. Vì đã từng trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, người Việt Nam rất trân quý hòa bình và sẽ bảo vệ hòa bình của mình một cách kiên định. Chúng tôi đã ký kết hợp tác chiến lược và hợp tác chiến lược toàn diện với 18 quốc gia. Trong đó, riêng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thì vốn dĩ đã là hợp tác chiến lược sâu rộng toàn diện từ rất lâu rồi. Việt Nam cũng đã ký 16 hiệp định thương mại thế hệ mới và sẽ tiếp tục ký thêm 3 hiệp định thương mại nữa. Quan điểm của Việt Nam là mở toàn diện hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới với những điều kiện thuận lợi nhất. Rất hy vọng với quan điểm này, Việt Nam sẽ giúp được Nhật Bản nhiều hơn trong hành trình hướng tới tương lai, khi Nhật Bản cũng cần một đối tác có sự tiếp cận với tất cả các thị trường trên thế giới”.