Alexandre Zapolsky (SN 1977) là chuyên gia về phần mềm nguồn mở, thành viên của Ủy ban Kỹ thuật số Quốc gia Pháp. Ngay từ khi còn là sinh viên, ông đã sáng lập công ty phần mềm Linagora và phát triển đến nay. Trong suốt sự nghiệp, Alexandre Zapolsky kiên trì theo đuổi việc bảo vệ ý tưởng về "Con đường số thứ ba", một sự lựa chọn thay thế cho các gã khổng lồ kỹ thuật số của Mỹ (GAFAM) và Trung Quốc (BATX). |
PV: Vì sao ông lại khởi xướng việc thành lập cộng đồng mã nguồn mở có chủ quyền tại châu Âu?
Ông Alexandre Zapolsky: Chủ quyền số chính là khả năng quản lý sự phụ thuộc về công nghệ đối với các đơn vị cung cấp. Một quốc gia không thể có chuyển quyền số nếu họ không làm chủ công nghệ nguồn mở. Mã nguồn mở giúp chúng ta hoàn toàn không bị phụ thuộc vào bất đơn vị cung cấp phần mềm cụ thể nào.
Điều này đặc biệt đúng với trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu không có một mô hình ngôn ngữ lớn mở (openLLM), bạn sẽ phụ thuộc vào một hệ thống mô hình ngôn ngữ lớn độc quyền. Hầu hết các hệ thống nền tảng này sẽ đến từ Mỹ hoặc Trung Quốc.
Những mô hình ngôn ngữ độc quyền sẽ sử dụng bộ dữ liệu không công bố. Nhà phát triển huấn luyện AI bằng bộ dữ liệu đó theo cách của họ. Việc không thể kiểm soát dữ liệu đầu vào, đầu ra sẽ tạo ra rủi ro lớn đối với người sử dụng.
AI đóng có thể tạo ra một câu trả lời không phù hợp về văn hóa hay lợi ích địa chính trị của quốc gia bạn. Ví dụ, AI sẽ trả lời thế nào nếu được hỏi về một vùng lãnh thổ đang có tranh chấp giữa nhiều quốc gia? Theo tôi, không một quốc gia nào nên bị phụ thuộc vào tầm nhìn của các quốc gia khác.
Không nên chỉ có một hoặc một vài mô hình trí tuệ nhân tạo như OpenAI từ Mỹ hay Baidu AI từ Trung Quốc. Chúng ta cần có sự “đa dạng sinh học” trong môi trường kỹ thuật số, với sự xuất hiện của nhiều mô hình trí tuệ nhân tạo khác nhau. Đó là những gì mã nguồn mở LLM có thể mang lại cho thế giới.
PV: Từ góc nhìn của ông, chủ quyền số có ý nghĩa thế nào đối với các quốc gia?
Ông Alexandre Zapolsky: Tôi sẽ lấy ví dụ về cuộc xung đột ở Ukraine. Chúng ta đã thấy điều gì xảy ra với nước Nga khi bị tách khỏi hầu hết các nhà cung cấp phần mềm từ Mỹ.
Do sức ép từ các lệnh trừng phạt, MongoDB - một công ty về giải pháp dữ liệu đã chặn toàn bộ truy cập dịch vụ của tất cả các công ty và cơ quan có liên quan tới yếu tố Nga. Chỉ trong một ngày, những tổ chức này không còn có quyền truy cập vào dữ liệu của họ nữa.
Tệ hơn nữa, chỉ sau đó một thời gian, MongoDB quyết định hủy toàn bộ các dữ liệu trên. Điều đó khiến khách hàng tại Nga của nhà cung cấp phần mềm độc quyền này mất hoàn toàn quyền khôi phục dữ liệu từ dịch vụ mà họ phụ thuộc.
Đây là một ví dụ cụ thể về tầm quan trọng của chủ quyền số, nhất là với những dịch vụ như dữ liệu. Nếu phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần mềm hoặc giải pháp thương mại quốc tế không mở, bạn đang gặp rủi ro. Bạn có thể sẽ không còn quyền truy cập vào hệ thống CNTT của chính mình trong một ngày nào đó.
Để tránh điều đó xảy ra, bạn cần phát triển cơ sở hạ tầng số cốt lõi của mình dựa trên nền tảng mã nguồn mở. Đây là điều chúng tôi đã xây dựng ở Pháp và châu Âu, một sáng kiến gọi là “cơ sở hạ tầng công cộng số” (Digital Public Infrastructure). Chúng được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn mở với các công cụ phần mềm mã nguồn mở.
PV: Tại sao mã nguồn mở với nhiều ưu điểm như vậy nhưng lại không quá phổ biến?
Ông Alexandre Zapolsky: Thách thức của mã nguồn mở chính là sức mạnh thống trị đến từ GAFAM (Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft). Giá trị vốn hóa của GAFAM thậm chí vượt toàn bộ ngân sách nước Pháp.
Những gã khổng lồ công nghệ này có sức mạnh tiền bạc, tài chính và đòn bẩy kinh tế lớn tới từ ngân sách quảng cáo, tiếp thị, vận động hành lang chính sách.
Họ tạo ra rào cản thị trường công nghệ, khiến khả năng cạnh tranh của mã nguồn mở trở nên khó khăn. Việc truyền thông, thuyết phục người dùng sử dụng các giải pháp mã nguồn mở cũng đòi hỏi một khoản ngân sách hay nguồn lực đáng kể.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, ngày càng nhiều người nhận ra rằng mã nguồn mở có lợi cho hành tinh, cho cá nhân và cho xã hội nói chung. Sự phổ biến của mã nguồn mở đang tăng lên, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Tôi tin rằng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của cuộc hành trình này và thế giới sẽ ngày càng chấp nhận mã nguồn mở.
PV: Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền số quốc gia?
Ông Alexandre Zapolsky: Mỗi quốc gia nên có khả năng quản lý hạ tầng của mình, không nên phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác. Ở Việt Nam, tôi thấy một số công ty rất thành công trong xây dựng chủ quyền số. Họ sử dụng những công nghệ mở với sự trợ giúp của một số chuyên gia và tổ chức nước ngoài, nhưng vẫn toàn toàn độc lập trong hạ tầng công nghệ.
Ở Pháp và các nước châu Âu, có rất nhiều chương trình tài trợ cho các công ty mã nguồn mở. Ví dụ Linagora đang được tài trợ bởi một vài đơn vị để phát triển một giải pháp có tên Twake workplace nhằm thay thế Microsoft 365.
Những trụ cột của hạ tầng số gồm: hệ điều hành, quản lý, thư mục, dữ liệu… cần được xây dựng dựa trên mã nguồn mở. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam nên tài trợ việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ tăng trưởng quy mô các phần mềm được sản xuất tại Việt Nam.
Diễn đàn Make in Viet Nam dựa trên sáng kiến của Bộ TT&TT là một chương trình rất tốt để vinh danh các sản phẩm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để công nghệ nguồn mở phát triển hơn nữa, Việt Nam cần có cơ chế tài chính mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ các đơn vị sản xuất công nghệ mở.
Việt Nam có phần nào đó giống với Ấn Độ. Trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã làm tốt việc gia công phần mềm, tuy nhiên họ cũng đang dần chuyển giao, làm chủ và xuất khẩu công nghệ. Chương trình Make in Viet Nam sẽ là tiền đề để phát triển hơn nữa các công nghệ, đặc biệt là các phần mềm mở được tạo ra, sản xuất tại Việt Nam.
PV: Cảm ơn ông!