Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội khẳng định, viết về chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ là trách nhiệm của người sáng tạo văn học nghệ thuật.
Sáng 4/10, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ.
Chủ đề hội thảo xuất phát từ thực tiễn lịch sử: Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc để giữ gìn nền độc lập, chủ quyền của dân tộc, hướng tới cuộc sống hòa bình, thịnh vượng. Sự kiện khoa học kết nối các học giả, nhà văn, chứng nhân lịch sử... để cùng thảo luận về chiến tranh cách mạng và chân dung người lính Cụ Hồ.
Lương tri của người cầm bút
GS.TS Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, sau hội thảo, ban tổ chức sẽ lựa chọn, biên tập một số bài viết để công bố trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đồng thời tiến hành tuyển chọn, gửi phản biện, biên tập các báo cáo toàn văn để xuất bản chính thức kỷ yếu hội thảo.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội khẳng định: "Dân tộc ta đã đương đầu với những cuộc chiến tranh sống còn. Chúng ta chiến thắng, tồn tại vì có sự can trường. Ở một giai đoạn nào đó, từ thế kỷ 20 trở lại đây, tinh thần ấy được đúc rút trong hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ. Chặng đường chúng ta đã đi qua đầy oanh liệt, dữ dội và hy sinh. Viết về đề tài này là lương tri, trách nhiệm của những người sáng tạo văn học nghệ thuật".
Ông Phương cho rằng, chúng ta không thể tiến về phía trước một cách vững chắc nếu sau lưng không có sự vững chắc của quá khứ. Viết đề tài này là gia cố cho sự vững chắc ấy. Các nghệ sĩ đã thể hiện tốt qua trực giác sáng tạo, minh chứng bằng kho tàng văn học phong phú với hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ làm trung tâm. Vấn đề định giá kho tàng ấy cũng quan trọng không kém, cần được nhìn nhận, đánh giá ở nhiều góc: lịch sử, khoa học, văn hóa, du lịch...
"Bước vào sự khám phá địa hạt này là bước vào địa hình phức tạp, bề bộn... không chỉ đòi hỏi nhiệt tình, tài năng, kiến thức mà cần cả lòng quả cảm mới đủ sức tiếp cận ở khía cạnh khác, tôn trọng sự khác biệt", nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận định.
Lịch sử không thể quên, quá khứ neo giữ tinh thần dân tộc
PGS.TS Cao Kim Lan, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, dòng văn học chiến tranh Việt Nam đã được chứng thực và lưu lại với một loạt tên tuổi hàng đầu như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Bảo Ninh… Mỗi tác giả khắc sâu trong ký ức độc giả với một phong cách và tài năng khác nhau. Đến Nguyễn Bình Phương, lịch sử chiến tranh sống dậy trong bối cảnh và lối kể hoàn toàn khác, nhắc chúng ta về một lịch sử không thể nào quên, một quá khứ vẫn đang neo giữ tinh thần dân tộc.
GS.TS Momoki Shiro, Trường Đại học Việt Nhật - Đại học Quốc gia Hà Nội, trình bày đề tài về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ 13 của Đại Việt, tập trung vào hai khía cạnh: so sánh cuộc chiến này với các quốc gia trong khu vực và khả năng tạo ra các tác phẩm văn hóa đại chúng nhằm phát huy giá trị lịch sử kháng chiến oanh liệt, với hình thức và nội dung phù hợp thời đại toàn cầu hóa.
Nhìn nhận và phân tích diễn ngôn về chiến tranh trong các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn dưới góc độ ngôn ngữ, thạc sĩ Phạm Phương Mai (Trường Đại học Thủ Dầu Một) cho rằng chúng ta sẽ hiểu thêm về các yếu tố tác động và chi phối việc ông lựa chọn ngôn ngữ cũng như quy luật lựa chọn của tác giả. Từ đó chúng ta hiểu thêm một cách tiếp cận đề tài chiến tranh ở Việt Nam - một siêu đề tài liên văn bản.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được tổng cộng 168 báo cáo tóm tắt, sau đó là 114 báo cáo toàn văn được gửi tới từ 162 học giả Việt Nam, Nhật Bản, Brunei, Philippines, Hàn Quốc. Các tham luận tập trung vào 3 nhóm chủ đề chính:
Nhóm chủ đề thứ nhất, từ lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc đến chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, tập trung vào các vấn đề: truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam trong chiều dài thời gian lịch sử; sự biến đổi của ý thức và tư tưởng xã hội trong nước và quốc tế về cuộc chiến tranh giữ nước của Việt Nam; bài học lịch sử và địa - di sản thời chiến đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay trên các lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục, du lịch…
Nhóm chủ đề thứ hai, những biểu đạt văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ. Nhiều bài viết đã tiếp cận những hướng nghiên cứu mới khi luận giải các trường hợp văn học Việt Nam và nước ngoài về chủ đề chiến tranh cách mạng và người lính như lý thuyết hệ hình, phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái, phê bình cảnh quan, lý thuyết chấn thương...
Nhóm chủ đề thứ ba, diễn giải điện ảnh - hội họa - nhiếp ảnh - âm nhạc về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ, tập trung vào các vấn đề: sự tương tác giữa các loại hình nghệ thuật như văn học - điện ảnh, văn học - nhiếp ảnh; phân tích các diễn ngôn điện ảnh, hội họa, âm nhạc…