Trong phiên giao dịch ngày 29/8 trên thị trường Mỹ (rạng sáng ngày 30/8 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm mạnh sau khi tăng vọt trong 6 phiên liên tiếp trước đó.
Kết thúc phiên 29/8, cổ phiếu VinFast giảm gần 44% từ mức giá mở cửa 82,35 USD xuống còn 46,25 USD/cp. Đây cũng là mức giá gần thấp nhất trong toàn phiên. Sau giờ giao dịch, cổ phiếu này còn giảm tiếp xuống dưới 45 USD.
Áp lực bán ra lớn, trong khi sức cầu không còn mạnh. Tổng cộng có 10,68 triệu cổ phần được chuyển nhượng trong phiên, trị giá khoảng 680 triệu USD.
Với mức giá hiện tại, vốn hóa của VinFast Auto rớt hơn 80 tỷ USD từ mức 191 tỷ USD phiên đóng cửa liền trước (và từ mức đỉnh 210 tỷ USD tính trong phiên 28/8) xuống còn hơn 107 tỷ USD.
Như vậy, cổ phiếu VinFast đã đảo chiều sau cú tăng 5,4 lần từ mức 15,4 USD lên 82,35 USD.
Trước đó, cổ phiếu VFS đóng cửa phiên chào sàn Nasdaq đầu tiên hôm 15/8 ở mức 37,02 USD/cp.
Với vốn hóa sau phiên 29/8 ở mức 107 tỷ USD, VinFast xa dần hãng xe hơi lớn thứ 2 thế giới là Toyota. Hãng xe của Nhật có vốn hóa tính tới 29/8 là 226 tỷ USD.
Tuy nhiên, VinFast vẫn giữ được vị trí thứ 3 về vốn hóa lớn nhất trong làng xe hơi thế giới.
Vị trí số 1 vẫn thuộc về hãng Tesla của Mỹ có vốn hóa tính tới hết ngày 29/8 tăng vọt thêm 58 tỷ USD lên 816 tỷ USD.
Hiện VinFast vẫn đứng trên hãng siêu xe Porsche của Đức (có vốn hóa 101 tỷ USD). VinFast cũng đứng trên so với mức 95 tỷ USD vốn hóa của hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc là BYD.
VinFast vượt xa các ông lớn trong ngành với lịch sử phát triển rất lâu đời như: General Motors, Ford, Honda, Ferrari, Volkswagen, BMW, Mercedes-Benz...
Với cú giảm mạnh của cổ phiếu VinFast trên sàn Nasdaq, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ VinFast giảm nhanh chóng từ mức 66 tỷ USD trong phiên liền trước xuống còn 39 tỷ USD, xếp thứ 30 trên thế giới, xếp thứ 3 châu Á và số 1 Đông Nam Á.
Sau phiên 29/8, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã xuống dưới tỷ phú Chung Thiểm Thiểm - Zhong Shanshan (61,7 tỷ USD tính tới 29/8) và ông trùm dầu khí và bán lẻ Mukesh Ambani của Ấn Độ (người có 94,3 tỷ USD).
Dù vậy, ông Vượng vẫn đứng ở vị trí giàu số 1 Đông Nam Á, trên 3 tỷ phú giàu nhất Indonesia, gồm 2 anh em Budi Hartono và Michael Hartono. Tới hết 29/8, R. Budi Hartono có 25,9 tỷ USD; Michael Hartono có 24,8 tỷ USD và Low Tuck Kwong có 26 tỷ USD.
Theo danh sách của Forbes, ông Vượng vẫn đang giàu hơn người giàu nhất Nhật Bản là ông chủ Uniqlo Tadashi Yanai và gia đình (có 34,2 tỷ USD tính tới hết ngày 29/8), người giàu nhất Thái Lan (14 tỷ USD), người giàu nhất Singapore (14 tỷ USD) và người giàu nhất Malaysia (11 tỷ USD).
Ông Vượng cũng xếp trên người giàu nhất Hàn Quốc là Chủ tịch Samsung Jay Y. Lee (8,4 tỷ USD) và một số doanh nhân tên tuổi khác của Trung Quốc như Mã Hóa Đằng (Ma Huateng) – Tencent (34,9 tỷ USD hay Mã Vân (Jack Ma) - Alibaba (25,7 tỷ USD).
Bloomberg vẫn chưa đưa ông Phạm Nhật Vượng trở lại danh sách 500 tỷ phú USD hàng đầu thế giới của tạp chí này.
Trong nước, tính tới hết ngày 29/8, Việt Nam vẫn có 6 tỷ phú USD theo bảng danh sách Forbes. Xếp sau ông Vượng là ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) với khối tài sản 2,3 tỷ USD (tăng 100 triệu USD so với ngày 28/8). Chủ tịch VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo hiện sở hữu khối tài sản 2,1 tỷ USD. Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có 1,6 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương Thaco và gia đình sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD. Ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang có 1,2 tỷ USD.