Trước giờ mở cửa phiên giao dịch ngày 29/8 trên sàn chứng khoán Nasdaq, cổ phiếu VinFast (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng quay đầu giảm khá mạnh, có lúc giảm gần 15%, từ mức giá đóng cửa hôm qua 82,35 USD/cp xuống gần 70 USD.
Tới 11h45 trưa ngày 29/8 (giờ Mỹ), tương đương 23h45 đêm 29/8 theo giờ Việt Nam, cổ phiếu VinFast rớt xuống 54,5 USD/cp, giảm gần 33% so với giá tham chiếu. Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, theo Forbes, sở hữu tài sản giảm xuống còn 47,7 tỷ USD, xếp thứ 26 trên thế giới.
Vốn hóa của VinFast xuống còn 127 tỷ USD, vẫn cao hơn hãng siêu xe Porsche (ở mức 101 tỷ USD).
Đây là một diễn biến trái ngược với trước giờ giao dịch phiên 28/8. Hôm qua, VFS đã tăng vọt thêm vài chục phần trăm, có lúc lên mức giá cao kỷ lục mới 90 USD/cp, tương ứng giá trị công ty đạt gần 210 tỷ USD.
Trong khoảng một tiếng trước giờ giao dịch chính thức ngày 29/8, cổ phiếu VinFast giảm 10-13%, xuống mức 71-72 USD/cp.
Với mức giảm này, vốn hóa của VinFast vẫn còn khoảng 170 tỷ USD, giảm tương ứng khoảng 20 tỷ USD,.
Vốn hóa của VinFast rời xa hãng xe hơi lớn thứ 2 thế giới Toyota. Hàng xe của Nhật có vốn hóa tính tới 28/8 là 226 tỷ USD. Trong khi đó, hãng Tesla của Mỹ có vốn hóa 758 tỷ USD.
Tuy nhiên, vốn hóa 170 tỷ USD của VinFast vẫn bỏ xa hãng siêu xe Porsche của Đức (gần 100 tỷ USD). Vốn hóa VinFast cũng cao hơn nhiều so với mức 94 tỷ USD vốn hóa của hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD.
Ngoài ra, VinFast vẫn có vốn hóa vượt xa các ông lớn trong ngành với lịch sử phát triển rất lâu đời như General Motors, Ford, Honda, Ferrari, Volkswagen, BMW, Mercedes-Benz...
Tương tự, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ VinFast sẽ giảm xuống khoảng 60 tỷ USD, có thể xuống dưới tỷ phú Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan) ông chủ công ty đồ uống lớn nhất Trung Quốc Nongfu Spring. Ông Thiểm có 60,5 tỷ USD tính tới hết ngày 28/8.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng sẽ xếp sau ông trùm dầu khí và bán lẻ Mukesh Ambani của Ấn Độ (94,7 tỷ USD, tính tới 28/8).
Ông Phạm Nhật Vượng có thể về vị trí 23-25 người giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, ông Vượng vẫn đứng ở vị trí giàu số 1 Đông Nam Á, trên 3 tỷ phú giàu nhất Indonesia, gồm 2 anh em người Indonesia Budi Hartono và Michael Hartono, những người đang sở hữu 25-26 tỷ USD.
Dù giảm giá, cổ phiếu VinFast vẫn có thể dễ dàng tăng trở lại trong phiên giao dịch chính thức nhờ số lượng cổ phiếu lưu hành tự do rất thấp.
Trong nước, tính tới hết ngày 29/8, Việt Nam vẫn có 6 tỷ phú USD theo bảng danh sách Forbes. Bloomberg vẫn chưa đưa ông Phạm Nhật Vượng trở lại danh sách 500 tỷ phú USD hàng đầu thế giới của tạp chí này.
Xếp sau ông Vượng là ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) với khối tài sản 2,3 tỷ USD (tăng 100 triệu USD so với ngày 28/8).
Chủ tịch VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo hiện sở hữu khối tài sản 2,1 tỷ USD. Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có 1,6 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương Thaco và gia đình sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD. Ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang có 1,2 tỷ USD.