Ngày 15/8, VinFast niêm yết ở Mỹ trở thành sự kiện mang dấu ấn lịch sử và thu hút đông đảo quan tâm của công chúng. Có thể nói, VinFast đã làm được việc cực khó là niêm yết trên sàn Nasdaq với giá cổ phiếu cũng như vốn hóa rất cao, dù cho có những trở ngại tưởng như không thể vượt qua.
Đây là một bước đặc biệt quan trọng trên con đường chinh phục thị trường Mỹ và toàn cầu của doanh nghiệp, mở ra cơ hội huy động vốn ở quy mô lớn. Có vốn, hãng mới có tiền để đầu tư xây nhà máy, mua sắm trang thiết bị, máy móc, nghiên cứu công nghệ, thiết kế các mẫu mã xe, tổ chức sản xuất và tổ chức hệ thống sạc pin, dịch vụ hậu mãi, làm thương hiệu….
Có nghĩa rằng, việc niêm yết thành công ở Mỹ của VinFast là việc đặc biệt quan trọng, buộc phải làm nếu muốn đi tiếp, còn không VinFast sẽ không có tương lai. Vì thế, tôi chúc mừng VinFast cũng như chúc mừng các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ của Việt Nam.
Khác với nhiều người lạc quan về giá cổ phiếu cũng như vốn hóa của VinFast trong ngày đầu tiên lên sàn Nasdaq, tôi bình tĩnh theo dõi và chờ diễn biến giao dịch trong các ngày tiếp theo. Tôi không chỉ xem tin trên Forbes, mà còn xem cả bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, xem cả tin trên Yahoo Finance để biết các góc nhìn khác nhau của giới tài chính Mỹ về cổ phiếu và vốn hóa VFS.
Với tôi, giá cổ phiếu và vốn hóa của VinFast trong thời gian đầu không thực sự có ý nghĩa, bởi hiện tại mới chỉ có một lượng rất nhỏ cỡ 0,19% cổ phiếu VinFast được quyền giao dịch. Chỉ đến khi các cổ phiếu VinFast do Vingroup nắm giữ được phép giao dịch thì giá cổ phiếu và vốn hóa của hãng xe điện thông minh này mới thực sự có ý nghĩa; đặc biệt là khi VinFast huy động được vốn từ các nhà đầu tư, đấy mới là cái đích thực sự cần hướng tới.
Tôi biết rằng, con đường phía trước của VinFast chắc chắn không phải hành trình trải đầy hoa hồng, sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức mà người VinFast sẽ phải kiên định và nỗ lực vượt qua. Đối thủ của Vinfast là những tên tuổi lẫy lừng như Tesla, Chevrolet, Ford, Hyundai, BMW, Mercedes-Benz, Volkswagen, Kia, Audi, Nissan, Volvo… đừng nhìn vào vốn hóa của VinFast ở một thời điểm cao hơn mà coi thường họ. Họ không những có thương hiệu, có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xe ô tô mà còn đang có số lượng xe ô tô điện bán ra nhiều gấp 10, 20, 50, 100 lần VinFast.
VinFast phải làm sao để người Mỹ, người châu Âu tin tưởng, yêu thích và quyết định mua xe VinFast, và phải là mua xe với số lượng lớn, lên tới hàng trăm nghìn chiếc mỗi năm chứ không chỉ dừng lại ở vài nghìn, vài chục nghìn xe.
Cũng có một số ý kiến băn khoăn về những lợi ích mà doanh nghiệp mang lại khi họ niêm yết ở nước ngoài, lập pháp nhân ở nước ngoài và nộp thuế cho nước ngoài. Việc VinFast lên sàn chứng khoán Nasdaq với pháp nhân VinFast Singapore, tôi cho rằng đây là cách lựa chọn của công ty, dù đó không phải là con đường bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam khác phải theo khi muốn niêm yết ở thị trường nước ngoài.
Còn về thuế, VinFast vẫn có nhà máy ở Hải Phòng, vẫn sản xuất xe để xuất khẩu, vẫn bán xe trong nước, tức VinFast vẫn có sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, vì vậy họ vẫn nộp thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác tại Việt Nam. Tất nhiên, khi VinFast sản xuất xe tại Mỹ, bán xe tại Mỹ thì hiển nhiên sẽ phải nộp các loại thuế cho phần sản xuất kinh doanh tại Mỹ, đấy là lẽ đương nhiên, không thể khác!
Không chỉ có VinFast, đã và đang có nhiều doanh nhân Việt có khát vọng lớn, song song với việc phát triển doanh nghiệp mình hùng mạnh, họ còn luôn ý thức xây dựng nội lực, làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường nội địa, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp quốc tế, vươn ra chinh phục thị trường nước ngoài, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực tiến ra nước ngoài có thể kể đến Viettel về viễn thông, FPT và hàng trăm doanh nghiệp phần mềm Việt Nam khác đang hiện diện ở Nhật Bản, Mỹ, Canada, Singapore. Chúng ta có Thaco về xuất khẩu xe ô tô, Vinamilk về xuất khẩu sữa, có thể kể thêm công ty Đại Dũng về khung thép cho sân bóng đá, Van Vina về van đồng công nghiệp và bây giờ là Vinfast với ô tô điện…
Tuy nhiên, tôi cho rằng như vậy vẫn là quá ít, chúng ta cần nhiều doanh nghiệp tiến ra nước ngoài hơn nữa và mỗi doanh nghiệp cũng phải thành công ở quy mô lớn hơn nữa.
Ngoài lĩnh vực phần mềm đã đạt đến quy mô phần mềm xuất khẩu lớn hơn phần mềm nội địa cả về doanh số lẫn nguồn nhân lực thì các lĩnh vực, ngành nghề khác, thị trường nội địa vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn rất nhiều thị trường quốc tế. Điều đó chứng tỏ khát vọng tiến ra nước ngoài của các doanh nhân Việt chưa đủ lớn.
Ngoài anh Trương Gia Bình FPT và anh Phạm Nhật Vượng Vingroup nói rất nhiều về xuất khẩu phần mềm và xe ô tô điện ra, tôi ít thấy lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp lớn khác nói về khát vọng và chiến lược tiến ra nước ngoài của doanh nghiệp mình.
Nói về khó khăn của FPT khi tiến ra nước ngoài thì lớn lắm, nhiều lắm, lúc nào cũng gặp, đi nước nào cũng gặp. Người FPT phải dồn toàn lực, tập trung những gì tinh túy nhất, nguồn lực tốt nhất cho toàn cầu hóa, phải nỗ lực cao độ, nỗ lực từng ngày, từng giờ, mọi lúc mọi nơi, tháo gỡ từng nút thắt nhỏ nhất.
Tôi còn nhớ thời điểm 2003, sau 4 năm tiến ra nước ngoài, FPT đã tiêu gần hết ngân sách cho toàn cầu hóa mà vẫn chưa tìm thấy đường ra…. Nếu nói về khó khăn của chúng tôi khi tiến ra nước ngoài, có lẽ là nói cả ngày không hết. Nói về thuận lợi chắc sẽ vui hơn.
Thuận lợi đầu tiên là FPT quyết tâm của người đứng đầu. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp cũng chia sẻ khát vọng và quyết tâm tiến ra nước ngoài, "mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới".
Thuận lợi thứ hai là người Việt chúng ta có điểm mạnh học hỏi công nghệ mới rất nhanh. Những công nghệ truyền thống thì Việt Nam đi sau các nước tiên tiến khá xa, thế nhưng với công nghệ mới khi mà tất cả cùng bắt đầu thì khoảng cách đã thu hẹp lại. Nhờ thế, khi tập trung vào những công nghệ mới, FPT dễ lấy được hợp đồng hơn.
Thuận lợi lớn nhất là khi tiến ra nước ngoài, FPT được tiếp cận một thị trường lớn không giới hạn. Nếu như ở trong nước quy mô nền kinh tế Việt Nam chỉ là 400 tỷ USD, thì quy mô kinh tế toàn cầu lên đến 100.000 tỷ USD, lớn hơn 250 lần.
Chính vì có một thị trường không giới hạn, ở 29 quốc gia 4 châu lục mà FPT không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, khi một thị trường kinh tế suy thoái, FPT còn có nhiều thị trường khác. Vậy nên, trong 2 năm đại dịch Covid-19, trong khi cả thế giới tăng trưởng âm, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng có 2,7%-2,9% thì FPT vẫn tăng trưởng 13% và 21%. Trong năm 2023 này khi kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp lao đao, FPT vẫn duy trì mức tăng trưởng 18-20%.
Còn về khó khăn, chúng tôi thấy rằng, trở ngại đáng kể và dễ thấy nhất chính là các thủ tục hành chính. Làm sao bớt giấy phép con, bớt các kiểm soát thừa không cần thiết (như xe ô tô mới vẫn phải đăng kiểm, điện thoại iPhone phải hợp quy khi nhập khẩu chẳng hạn), làm sao để tất cả cơ quan công quyền coi doanh nghiệp là các đối tượng phục vụ, làm sao để đi công cán ở nước ngoài dễ dàng hơn (được miễn thị thực nhiều nước hơn, thẻ doanh nhân cấp nhiều và nhanh hơn)…
Có như vậy, doanh nghiệp mới thực sự được hỗ trợ, được tiếp thêm sức mạnh để phát triển và mới có thể vươn mình cạnh tranh với đối thủ các nước, mang lại lợi ích cho cộng đồng, làm rạng danh đất nước!
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện Kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.
(Theo Đỗ Cao Bảo/ Báo Dân Trí)