Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến. Dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, công tác chuyển đổi số của tỉnh từng bước đi vào thực chất, góp phần thay đổi phong cách làm việc của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, doanh nghiệp, bảo đảm tính khoa học, nhanh chóng, chính xác, minh bạch, hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước.
Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh ban hành hoặc trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành 03 chỉ thị, 03 nghị quyết, 18 quyết định, 20 kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Về hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet, trên địa bàn tỉnh hiện có 05 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và 05 nhà cung cấp dịch vụ Internet. Sóng di động mạng 3G, 4G đã phủ 100% khu vực trên địa bàn tỉnh, đã có hơn 60 trạm 5G của Viettel và VNPT. 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh - huyện - xã đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng cố định để phục vụ công tác chuyên môn; đã thực hiện kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng đến 169 đơn vị, địa phương, đồng bộ đến cấp xã. Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung tỉnh Vĩnh Phúc được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Dữ liệu của tỉnh, đã thiết lập, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng thanh toán tập trung quốc gia và gần 20 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan Trung ương và địa phương. Về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, toàn tỉnh có 3.119 cán bộ, công chức, viên chức làm chuyên trách và kiêm nhiệm chuyển đổi số, 149 công chức, viên chức làm chuyên trách và kiêm nhiệm về an toàn thông tin; 1.240 Tổ Công nghệ cộng đồng và Đề án 06 với 9.880 thành viên. Cùng với đó, 92,96% hệ thống thông tin được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin.
Trong triển khai Đề án 06, các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, nghiêm túc. Với vai trò là cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, kịp thời tham mưu UBND, Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, bảo đảm hiệu quả, tiến độ thực hiện theo yêu cầu; triển khai cập nhật, làm sạch cơ sở dữ liệu dân cư đáp ứng mục tiêu “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”. Qua đó, đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc triển khai kết nối các hệ thống thông tin khác phục vụ các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý Nhà nước và người dân có thể khai thác, sử dụng lại các thông tin, dữ liệu của mình, giảm thời gian khai báo trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 762.284 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt trên tổng số 980.226 công dân trên 14 tuổi, đạt tỷ lệ 77% người dân đủ điều kiện, là một trong những tỉnh có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện nâng cấp phần mềm khám chữa bệnh HIS và đầu tư thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VneID với số lượng căn cước công dân được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế là 1.080.997 người. Ngoài ra, toàn tỉnh đã nhập 518.329 dữ liệu hộ tịch vào hệ thống hộ tịch của Bộ Tư pháp; tổng số thửa đất đã được chuẩn hóa, làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở là 506.597/1.446.292 thửa, đạt trên 35% so với kế hoạch. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hiện có 1.865 dịch vụ công, trong đó có 954 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 645 dịch vụ công trực tuyến một phần và 266 dịch vụ cung cấp thông tin.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá việc thực hiện công tác chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh; thẳng thắn nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ. Từ đó, xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính tăng tốc, bứt phá thời gian tới.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện công tác chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin tập trung nghiên cứu và triển khai thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới. Cụ thể, liên quan đến công tác chuyển đổi số, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế chính sách về chuyển đổi số; bảo đảm hạ tầng viễn thông và Internet phục vụ chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, địa phương. Trong phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục nghiên cứu xây dựng, tổ chức triển khai cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số, lực lượng chuyên trách bảo đảm an toàn thông tin trong các cơ quan Nhà nước.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát triển kinh tế số, xã hội số, đồng chí Trần Duy Đông cũng yêu cầu xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh của tỉnh; rà soát, nâng cao số lượng, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm từ các tỉnh, thành, địa phương khác để triển khai hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia, các nền tảng số. Trên cơ sở danh sách 103 nền tảng số, hệ thống thông tin, ứng dụng do bộ, ngành đầu tư, triển khai sử dụng toàn quốc từ Trung ương đến các địa phương đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, các sở, ngành chủ động rà soát để tham mưu, đề xuất triển khai các nền tảng số khả thi, có tính hiệu quả trên địa bàn tỉnh; rà của soát quy trình các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực của đơn vị mình để chủ động tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền điều chỉnh; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong hoạt động chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của lĩnh vực do cơ quan quản lý.
Đối với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến công tác triển khai Đề án 06, ông Trần Duy Đông đề nghị Công an tỉnh sớm tham mưu xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch triển khai trong năm 2025 theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”, gắn trách nhiệm cụ thể của đồng chí thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, hoàn thành Kế hoạch và ban hành xong trước ngày 28/2/2025.
Ngoài ra, Công an tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các đơn vị phải phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ theo đúng phương châm, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả” và “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Đồng thời, trực tiếp làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương để kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình tiến độ các công việc được giao, ghi nhận những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm.
Theo Phùng Hải (Cổng Thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc)