Trong phiên giao dịch 28/7, thị trường chứng khoán bứt phá, tỷ USD sang tay. Dòng tiền dồn dập đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, bán lẻ trong bối cảnh triển vọng của nền kinh tế và doanh nghiệp tích cực hơn. Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản báo cáo kết quả kinh doanh quý II không mấy tích cực nhưng dường như thời điểm khó khăn nhất đã qua đi.
Kết thúc phiên giao dịch 28/7, chỉ số VN-Index tăng 10,34 điểm (+0,86%) lên 1.207,67 điểm. HNX-Index và Upcom-Index đều tăng khá mạnh.
Thanh khoản tiếp tục tăng và vượt ngưỡng tỷ USD. Tổng cộng có 24.700 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả 3 sàn chứng khoán. Đây là mức cao nhất trong hơn 10 tháng qua.
10/11 mã cổ phiếu ngân hàng trong nhóm VN30 tăng giá. Trong đó, Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tăng khá mạnh. Cổ phiếu Vietcombank (VCB) tiếp tục là trụ nâng đỡ thị trường đi lên trong cả tuần.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng tăng khá mạnh. Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn tăng 500 đồng lên 18.350 đồng/cp. So với mức đáy 10.000 đồng/cp hồi tháng 3/2023, NVL tăng gần 80%.
Cổ phiếu Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nổi sóng, tăng thêm 1.400 đồng/cp lên 58.900 đồng/cp. Vinhomes vừa công bố lập kỷ lục doanh thu mới trong quý II/2023 là gần 33.000 tỷ đồng.
Tổng doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 62.100 tỷ đồng, tăng 364% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ bàn giao 5.400 căn bất động sản thấp tầng tại Vinhomes Ocean Park 2. Tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 21.600 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 72% kế hoạch năm. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4.954 đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí, công nghệ và bán lẻ cũng tăng mạnh.
Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng mạnh thêm 1.900 đồng lên 86.100 đồng/cp. Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần trong 6 tháng đạt 37.315 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cho rằng, những “cơn gió thuận chiều” của nửa cuối năm nay sẽ là nền tảng vững chắc, mang lại những tăng trưởng đột phá cho năm 2024.
Cổ phiếu Vinamilk (VNM) tăng mạnh thêm 1.700 đồng lên 77.400 đồng/cp.
Tương tự, FPT tăng 700 đồng lên 84.400 đồng/cp.
Trên thị trường, giới đầu tư dồn sự chú ý vào nhóm cổ phiếu đầu tư công với 2 mã tăng trần là HBC của Xây dựng Hòa Bình (do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch) và CTD của Coteccons. Đây là 2 doanh nghiệp trong 1 liên danh tham gia đấu thầu gói lớn nhất thi công Sân bay Long Thành.
CTD tăng hết biên độ lên mức giá 73.600 đồng/cp. HBC tăng kịch trần lên mức 10.000 đồng/cp. Dư mua 2 cổ phiếu này lớn, lên tới hàng triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, một loạt cổ phiếu như VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex); HAN Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP; CC1 của Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1) và PHC của Xây dựng Phục Hưng Holdings đồng loạt giảm mạnh. Đây là diễn biến trái chiều với phiên đầu tuần 24/7 khi mà CTD giảm sàn.
Theo công bố, có 3 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) gồm Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Liên danh Hoa Lư và Liên danh VIETUR.
Trong đó, Liên danh VIETUR do nhà thầu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, có thành viên là các công ty thuộc hệ sinh thái Newtecons của ông trùm xây dựng Nguyễn Bá Dương (trước là Chủ tịch Coteccons) và Tổng công ty Vinaconex.
Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu. Liên danh Hoa Lư do nhà thầu Việt Nam Coteccons đứng đầu, nhưng có thành viên là nhà thầu Thái Lan và Xây dựng Hòa Bình (HBC) của ông Nguyễn Viết Hải.
Thông tin về người trúng gói thầu trị giá hơn 35.000 tỷ đồng chưa được công bố. Nhưng đây là yếu tố khiến nhiều người kỳ vọng vào một số cổ phiếu hạ tầng, trong đó có VCG, CTD, HBC…