Tại hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 10/3, TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, cho rằng, Việt Nam đang thua xa các nước như Thái Lan, Singapore hay Philippines về số quốc gia được cho phép miễn visa hay thời gian lưu trú cho khách. Chính sách visa hiện tại đã duy trì quá lâu.
Chủ tịch HĐQT Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ, ví von chính sách visa Việt Nam như cánh cửa mở hé trong khi các nước đang mở toang. Nếu một du khách đi trên đường, họ không dám đi vào nơi cửa mở hé vì không biết có bị "đuổi" ra hay không.
Theo bà Trần Nguyện, Phó Tổng giám đốc khối Sun World (Sun Group), chính sách visa thuận lợi sẽ giúp tăng trưởng lượng du khách quốc tế từ 5-25%, doanh thu tăng 35-40%. Bà Nguyện cho rằng, cần mở rộng danh sách quốc gia và vũng lãnh thổ được miễn visa. Nguồn khách lưu trú lâu sẽ góp phần cho du lịch phát triển. Ví dụ, du khách Úc, New Zealand, châu Âu lưu trú lâu tại các khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng hay Phú Quốc, ít nhất là 21 ngày. Trong khi, chính sách visa của Việt Nam chỉ cấp 15 ngày thì họ sẽ phải về sớm.
TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), khẳng định không phải chính sách visa là nguyên nhân gây khó khăn cho hàng không và du lịch Việt Nam hiện tại, nhưng cần cởi mở hơn. Ông dẫn chứng, Việt Nam hiện miễn visa cho 9 nước ASEAN từ 14-30 ngày; 13 nước được đơn phương miễn visa 15 ngày; có 2 nước gần như không có khách du lịch thì đang được miễn visa từ 30-90 ngày. Như vậy, tổng cộng có 24 quốc gia được miễn visa khi tới Việt Nam.
Trong khi, Thái Lan có 68 nước, thời gian miễn từ 30-45 ngày. Singapore miễn visa cho quá nhiều nước, họ không có danh sách các nước được miễn mà chỉ công bố 36 quốc gia và vùng lãnh thổ phải xin visa khi vào Singapore. Đảo quốc này có diện tích rộng bằng 1/2 TP. Đà Nẵng, nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến mỗi năm gấp đôi Việt Nam.
Từ những dẫn chứng trên, thành viên TAB đưa ra 5 kiến nghị về chính sách visa trong nước. Cụ thể:
Một, Việt Nam cần ban hành chính sách visa như Thái Lan, nâng thời gian lưu trú lên 30-45 ngày. Ngoài ra, khách du lịch cần được xuất nhập cảnh nhiều lần trong thời gian trên chứ không phải chỉ một lần. Có tình trạng khách đến Việt Nam rồi sang Singapore, lúc quay vào không được bởi chính sách visa cấp một lần.
Hai, nên miễn visa cho toàn bộ thành viên các nước EU, Canada, Úc, New Zealand, một số quốc gia Trung Đông, Tây Á. Mỗi lần công bố chính sách miễn visa cần kéo dài trong 5 năm để doanh nghiệp chủ động trong đầu tư kinh doanh, thay vì chỉ 1-3 năm. Với một số nước lớn chưa thể miễn visa, Chính phủ cần đàm phán, có cơ chế visa dài hạn song phương cho công dân hai quốc gia.
Ba, chính sách visa điện tử (e-visa) cần cởi mở hơn, nâng cấp hệ thống, đầu tư giao diện cho người dùng dễ sử dụng.
Bốn, Nhà nước phải coi chính sách visa là công cụ thu hút khách quốc tế, luôn theo sát, điều chỉnh, đảm bảo tính cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Năm, rất nhiều doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam đang làm dịch vụ visa với mức phí khác nhau, thời gian khác nhau, o ép khách. Từ đó, doanh nghiệp làm méo mó chính sách visa, từ hỗ trợ lại biến thành hành khách du lịch để lấy tiền. Đây là vấn nạn cần xóa sổ.
Bộ Công an nói gì?
Phản hồi các ý kiến tại hội thảo, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết:
Công dân của 13 nước đang được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam và được tạm trú 15 ngày, không phân biệt mục đích. Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị công an toàn quốc có thể gia hạn tạm trú đối với khách du lịch tại Việt Nam. Do vậy, thời gian không phải chỉ có 15 ngày.
Người nước ngoài vào khu du lịch, khu kinh tế ven biển được miễn thị thực và tạm trú trong vòng 30 ngày. Chẳng hạn, tại Phú Quốc (Kiên Giang), chính sách visa cho phép khách muốn vào bao nhiên lần cũng được, ở bất kỳ thời điểm nào.
Thị thực điện tử Việt Nam có thời hạn tạm trú 30 ngày. E-visa Việt Nam tiên tiến hàng đầu thế giới. Cụ thể, công dân toàn cầu chỉ cần dùng smartphone hoặc máy tính cá nhân, khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, chủ yếu là thông tin đơn giản về nhân thân. Mức phí cấp visa là 25 USD và nộp trực tiếp vào tài khoản của Bộ Tài chính.
Sau thời gian 3 ngày, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh có trách nhiệm trả kết quả cho khách qua môi trường điện tử. Tất cả trường hợp cán bộ trả kết quả sau 3 ngày đều vi phạm, sẽ bị xử lý. Người nước ngoài không phải gặp bất kỳ cán bộ nào, không cần chứng minh tài chính, không phải nộp thêm bất cứ chi phí nào. Cục sẽ trực tiếp chuyển thông tin e-visa cho các đơn vị hàng không cũng như công an, biên phòng cửa khẩu để cấp cho người nước ngoài nhập cảnh. Quy trình này đã được áp dụng từ cách đây 4 năm.
Kết quả, từ 15/3/2022 đến nay, đã có 1,2 triệu khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam du lịch bằng e-visa, gấp 6 lần số người nhập cảnh bằng hình thức thông thường (khoảng 213.000 người).
Bộ Công an đang tiếp tục cấp thị thực du lịch Việt Nam, có giá trị 3 tháng (90 ngày) chứ không không phải chỉ 15-30 ngày. Tuy nhiên, khi vào cửa khẩu, luật quy định, cán bộ công an hoặc biên phòng cửa khẩu chỉ đóng dấu, xác nhận cho du khách tạm trú tại Việt Nam 30 ngày. Hết 30 ngày, du khách cần quay lại, gia hạn thêm thời gian tạm trú, kéo dài tới 90 ngày.
"Về thái độ phục vụ của cán bộ xuất nhập cảnh, tôi đã so sánh khi trực tiếp đi nhiều sân bay trên thế giới. Tôi chưa thấy ở đâu, lực lượng xuất nhập cảnh đóng dấu nhập cảnh nhanh chóng và dễ dàng hơn so với cửa khẩu Nội Bài", lãnh đạo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh nói.
Khó xin visa nhập cảnh, mở cửa đón khách vấp ngay 'rào cản'
Tái khởi động du lịch, DN gặp khó khăn khi làm thủ tục xin visa nhập cảnh cho khách quốc tế vì còn nặng nhiều quy định thời kỳ chống dịch.
Visa ngắn ngày, lại phải bay vòng: Khách Tây ngán đến Việt Nam
23 triệu khách Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài năm 2019 thì Việt Nam đón được chưa đến 0,5%. Lưu trú dài ngày, có mức chi tiêu bình quân cao, trung bình gần 1.500 USD, Việt Nam muốn đẩy mạnh đón dòng khách 5 sao này.